Khơi thông cho các nguồn thu ngân sách

Khơi thông cho các nguồn thu ngân sách
4 giờ trướcBài gốc
Đa số đại biểu nhận định, nhìn vào các chỉ số thu ngân sách trong 9 tháng của năm 2024 có tăng trưởng khá tốt, tình hình thu ngân sách tăng so với dự toán, đảm bảo thu ngân sách bền vững, làm cơ sở để tạo ra sự đột phá cho sự phát triển. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán, hiện nay bố trí chi thường xuyên còn thấp, nhiều khoản chưa được phân bổ, làm kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương bày tỏ ý kiến: "Chính phủ trình Quốc hội ngân sách, trong đó mới có 13,3 ngàn tỷ trên tổng số là 43,281 ngàn tỷ chi thường xuyên là được bố trí, số còn lại tới 29,981 ngàn tỷ là chưa được phân bổ mà thời gian của năm chỉ còn ba tháng. Tôi thấy điều này sẽ làm cho những công cụ kích thích sự phát triển nền kinh tế có thể bị kìm hãm bởi vì có đến hai phần ba số chi thường xuyên không được chi, mà chi thường xuyên ở đây bao gồm ngoài quốc phòng an ninh, còn có rất nhiều những chi khác như là chi cho y tế, chi cho giáo dục, đào tạo,... Nhiều khi chúng ta kêu gọi tiết kiệm chi thường xuyên thì cũng tốt nhưng việc chi thường xuyên hiện nay cũng bao gồm tới bảy, tám mục chi thường xuyên, nếu như chi thường xuyên tiết kiệm quá thì có một số những cái trong hoạt động kinh tế xã hội lại bị kìm hãm".
Bố trí nguồn vốn Nhà nước cho việc đầu tư giáo dục, y tế là nhiệm vụ được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên họp.
Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội kiến nghị: "Tôi đề nghị cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu và sau khi đầu tư xong thì giao cho các trường thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo thường xuyên. Khi đó thì tôi nghĩ rằng, các cơ sở này hoàn toàn có thể tự chủ được và người bệnh sẽ không phải chịu chi phí dịch vụ cao. Tôi biết rằng, nếu như chúng ta mà tập trung trong khoảng 5 đến 10 năm để dành khoảng 5 - 10% đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế, giáo dục thì sau đó chúng ta sẽ có được một hệ thống về giáo dục đại học cũng như là các bệnh viện sẽ khang trang hiện đại. Khi đó, người thực sự hưởng lợi chính là người dân".
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu; đồng thời tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn Nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ nên cân nhắc việc giảm 5% nguồn chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, hướng tới tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị sự nghiệp công lập và quan tâm tới quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.
Kim Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/khoi-thong-cho-cac-nguon-thu-ngan-sach-278109.htm