Thống kê của cơ quan công an thời gian qua cho thấy, một số thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng gần đây là lợi dụng là sự nhẹ dạ, cả tin, lòng tham vật chất và sự sợ hãi của bị hại, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Phương thức, thủ đoạn phổ biến hiện nay khiến người dân dễ “mắc bẫy” là lập nick giả người thân để lừa đảo; giả dạng shipper lừa tiền; giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng; hack tài khoản mạng xã hội; kết bạn làm quen tặng quà qua mạng; mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo; thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo với lợi nhuận cao; tạo lập trang (fanpage), hội nhóm mạng xã hội giả mạo doanh nghiệp du lịch, bán vé máy bay để lừa tiền đặt cọc...
Cẩn trọng với các cuộc gọi từ đầu số 022, 024, 028
Một thủ đoạn khác cũng hết sức tinh vi, đó là các đối tượng sử dụng các đầu số 022, 024, 028... để thực hiện những cuộc gọi chỉ kéo dài khoảng vài giây rồi cúp máy, khiến người dùng không rõ người gọi là ai và với mục đích gì.
Điển hình như anh Hoàng Đình Quân, trú tại quận Nam Từ Liêm đã gặp tình huống này trong những ngày vừa qua. "Cả ngày nay tôi bị số điện thoại có đầu số 024 nháy máy nhiều lần, chưa kịp bắt máy thì đã tắt. Dĩ nhiên những trường hợp này tôi không dám gọi lại vì sợ lừa đảo, nhưng gây ra phiền phức và bực bội", anh Quân chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Điều hành An ninh mạng CMC (Công ty CMC Cyber Security, Tập đoàn Công nghệ CMC), cho biết, mục tiêu chính của những cuộc gọi này là xác thực dữ liệu (data) mà các đối tượng lừa đảo thu thập được, từ đó phân loại người dùng và phục vụ các kịch bản lừa đảo sau này.
Những kẻ xấu có thể sử dụng hai phương pháp phổ biến. Thứ nhất, xác minh số điện thoại đang hoạt động. Theo đó, khi người dùng bắt máy và phản hồi, kẻ xấu có thể xác nhận số điện thoại còn sử dụng, từ đó bổ sung vào danh sách dữ liệu có giá trị để bán hoặc khai thác.
Cách thứ hai là sử dụng bot để thu thập thông tin. Cụ thể, một số hệ thống tự động có thể nhận diện giọng nói và từ khóa để phân loại dữ liệu theo giới tính, độ tuổi hoặc mức độ phản ứng của người nghe.
"Khi bạn gặp những cuộc gọi làm phiền này, tốt nhất không gọi lại ngay lập tức vì có thể dẫn đến mất nhiều chi phí không cần thiết hoặc tiếp tục dẫn đến bị làm phiền hoặc dẫn dụ vào bẫy lừa đảo. Nếu số điện thoại lạ nháy máy làm phiền nhiều lần, hãy tiến hành thao tác chặn và thông báo với nhà mạng của bạn về tình trạng này, họ có thể can thiệp và giúp bạn tránh tình huống phiền phức hơn", ông Đỗ Văn Thịnh khuyến cáo.
Các cuộc gọi này không thể trực tiếp đánh cắp thông tin cá nhân hay tài chính, nhưng chúng có thể mở đường cho những hình thức lừa đảo tinh vi hơn như bán dữ liệu số điện thoại hoạt động cho các bên thứ ba, phục vụ quảng cáo hoặc các cuộc gọi làm phiền khác; dựng kịch bản lừa đảo phù hợp dựa trên nhóm đối tượng tiềm năng, đặc biệt là người cao tuổi, nội trợ hoặc những người đang tìm kiếm việc làm.
T.Văn