Bí ẩn ngôi mộ cổ trong hẻm nhỏ TPHCM, người dân xem như Thổ địa

Bí ẩn ngôi mộ cổ trong hẻm nhỏ TPHCM, người dân xem như Thổ địa
14 giờ trướcBài gốc
Ngôi mộ được cho là đã tồn tại trên 100 năm. Ảnh: Hà Nguyễn
Mộ cổ bí ẩn
Đi vào con hẻm 218, đường Hồng Bàng (phường 12, quận 5, nay là phường Chợ Lớn, TPHCM) chưa đầy 100m, khách tham quan bất ngờ thấy một ngôi mộ nằm nép mình ở một bên hẻm.
Mộ phần cao khoảng 1m, được quét sơn trắng. Phía trước có hương án nhỏ, sơn màu đỏ. Các họa tiết trang trí trên thành mộ gần như không còn. Mặt trên mộ không bằng phẳng, hiện rõ dấu vết hư hại theo thời gian.
Mộ không còn bình phong tiền. Bức bình phong hậu cũng hư hại, chỉ còn lại một phần và cũng được sơn trắng.
Do được sơn trắng toàn bộ nên bằng mắt thường rất khó nhận biết ngôi mộ được xây dựng từ loại vật liệu gì. Ngôi mộ cũng không có bia ghi lại thông tin người quá cố.
Mặt trước mộ không có bia ghi lại thông tin người quá cố. Ảnh: Hà Nguyễn
Tuy nhiên, người dân sinh sống trong hẻm khẳng định, đây là mộ cổ có tuổi đời trên cả trăm năm. Ông Ký (50 tuổi) sống đối diện ngôi mộ cho biết, từ khi sinh ra ông đã thấy ngôi mộ trước nhà.
Thậm chí, mẹ ông Ký năm nay ngoài 80 tuổi cũng khẳng định ngôi mộ có từ trước khi bà chào đời. Do đó, ông Ký cho rằng, ngôi mộ có tuổi đời trên 100 năm.
Trước đây, mộ phần phủ đầy rêu xanh. Đến ngày lễ, Tết, mộ được người dân trong hẻm quét dọn sạch sẽ, sơn lại cho mới.
Hiện mỗi ngày, mộ phần đều được người dân trong hẻm chăm sóc, hương khói. Dù vậy, những người như ông Ký vẫn không có bất kỳ thông tin nào về chủ nhân của mộ phần.
Mộ phần không còn bình phong tiền. Ảnh: Hà Nguyễn
Ông Ký nói: “Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ thấy người trong hẻm đến thắp nhang, cúng bánh, trái trước mộ. Tuy nhiên, họ không phải là con cháu, hậu duệ của chủ nhân ngôi mộ.
Tôi chưa bao giờ thấy ai tự nhận mình là bà con, con cháu đời sau của người dưới mộ đến thắp nhang, cúng bái. Chúng tôi không biết ngôi mộ này được xây dựng năm nào, người nằm bên dưới là nam hay nữ, có thân thế ra sao.
Dù vậy, từ xưa đến nay, người dân trong hẻm rất tôn trọng ngôi mộ, không ai dám mạo phạm.
Lúc còn nhỏ, chúng tôi hay chơi đùa xung quanh mộ nhưng tuyệt nhiên không ai dám đập phá hay trèo, ngồi lên mộ phần. Ai cũng được dạy phải tôn trọng ngôi mộ cổ, cũng như người quá cố”.
Xem như thần Thổ địa
Cũng theo ông Ký, vì đã tồn tại hàng trăm năm, ngôi mộ trở thành một phần của con hẻm, hòa mình vào nhịp sống thường nhật của người dân địa phương. Mỗi ngày, những người như ông Ký vẫn đến thắp hương cho ngôi mộ 2 buổi sáng, chiều.
Theo ông Ký, không ai biết chủ nhân của ngôi mộ là người nào. Ảnh: Hà Nguyễn
“Vào giờ cơm, người có lòng thường đem cơm đến cúng trước mộ theo kiểu mình ăn gì thì cúng nấy. Ngày Tết, có người tình nguyện bỏ tiền mua sơn đến sơn lại mộ cho sạch đẹp”, ông Ký cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Trần Nhuệ Hồng (SN 1955), người sinh ra và lớn lên tại hẻm 218 cho biết, hẻm còn có tên là Trần Thu Cơ Lý và có từ thời Pháp. Lúc bấy giờ, hẻm Trần Thu Cơ Lý rất ngắn, chỉ đến phía sau ngôi mộ.
Sau này, chính quyền địa phương phá bỏ bức tường để con hẻm thông ra đường Phạm Hữu Chí. Ông Hồng cho biết, ngôi mộ tồn tại ở hẻm đã lâu đời.
Ngày còn nhỏ, khi bắt đầu biết đọc, viết chữ Trung Quốc, ông vẫn thấy trên mộ có khắc chìm nhiều chữ Hán. Tuy nhiên, ông chỉ đọc được chữ Trần, bởi chữ này có kích thước lớn, lại đúng họ của ông nên ông ghi nhớ, đọc được.
Các chữ còn lại đều phai mờ không thể đọc. Theo thời gian, chữ Trần trên mộ phần cũng bị bào mòn, không còn nhận diện được.
Mỗi ngày, ngôi mộ đều được người trong hẻm quét tước, hương khói. Ảnh: Hà Nguyễn
Ông Hồng chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã nghe ông bà kể về ngôi mộ này. Người xưa nói ngôi mộ có tuổi đời trên 100 năm, người dưới mộ là đàn ông, thuộc gia đình giàu có.
Trước kia, khuôn viên ngôi mộ bề thế, trẻ con chúng tôi có thể chạy đến chơi trốn tìm bên trong. Chỉ có gia đình giàu có mới có thể xây dựng được khu mộ rộng lớn, bề thế như vậy.
Sau này, do ngập nước, con hẻm được nâng lên 2 lần với tổng chiều cao hơn 1m. Vì vậy, ngôi mộ thấp dần, khuôn viên cũng bị thu hẹp hơn”.
Cũng theo ông Hồng, thập niên 1960-1970, khu vực gần ngôi mộ có nhiều xưởng in. Những ông chủ xưởng thành lập hội để sinh hoạt với nhau.
Lúc đó, hội này làm ăn rất phát đạt nên vào các dịp lễ như: Thanh Minh, Vu Lan… họ thường làm lễ cúng ngôi mộ. Sau lễ cúng, những người đứng đầu hội chia bánh trái cho trẻ em trong xóm ăn lấy lộc.
“Không ai biết tên tuổi người dưới mộ nhưng tôi nghe người xưa gọi mộ này là mộ Trần Thắng Công và xem người trong mộ như thần Thổ địa của khu vực.
Sở dĩ có tên này vì trước đây, khi cúng, người xưa thường viết 3 chữ Trần Thắng Công bằng chữ Hán trên nền giấy đỏ rồi dán vào thân mộ. Bây giờ không còn người đứng ra quyên góp, tổ chức cúng cho người đã khuất nằm dưới mộ nữa.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, người trong hẻm rất tôn trọng ngôi mộ. Mỗi ngày, bà con trong hẻm vẫn tình nguyện đến chăm sóc, quét dọn, hương khói cho ngôi mộ. Họ tin làm như vậy sẽ được may mắn, ông Hồng chia sẻ thêm.
Hà Nguyễn
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/bi-an-ngoi-mo-co-trong-hem-nho-tphcm-nguoi-dan-xem-nhu-tho-dia-2417478.html