Không còi báo, không loa phường, cũng chẳng ai nhắc ai, nhưng cứ đúng 7h sáng, người dân nơi đây, đặc biệt là các hội viên Hội Nông dân lại xắn tay áo, xách chổi, tay cầm cuốc, cùng nhau làm một việc tưởng như bình thường nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao, đó là dọn vệ sinh môi trường.
Từ một chương trình đến một thói quen đẹp
Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hiệp - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Nghĩa, nay là chuyên viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tuy Phước (tỉnh Gia Lai) - cho biết hoạt động dọn vệ sinh vào sáng thứ Bảy được bắt đầu từ năm 2022, khi địa phương thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong bộ tiêu chí nông thôn mới, môi trường là yếu tố then chốt, nhưng cũng là tiêu chí khó vì nó phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân.
“Ban đầu chỉ là phong trào, nhưng làm mãi rồi thành thói quen, thành nếp sinh hoạt cộng đồng. Cứ đến thứ Bảy là người dân lại nhắc nhau dọn dẹp. Không cần ai chỉ đạo, mọi người cũng tự ra quân”, bà Hiệp cho biết.
Quét dọn, cắt cỏ dại 2 bên đường.
Trước đây, tuyến đường qua địa phương bừa bộn với rác thải và cỏ dại che lấp, gây mất mỹ quan, nhất là sau những đợt mưa dài. Nhưng từ khi có “ngày thứ Bảy xanh”, đường không chỉ sạch mà còn trở nên thân thiện hơn. Tuyến đường dài khoảng gần 2 km từ cống Ông Lực (thuộc thôn Hưng Nghĩa) đến giáp ĐT. 640 được Hội nông dân xã quản lý nhiều năm nay lúc nào cũng sạch sẽ, quang thoáng.
Theo bà Hiệp, các công việc như quét rác, phát quang bụi rậm, cuốc cỏ ven đường… tưởng chừng đơn giản nhưng khi làm đều tay, đồng loạt, lại có tác động rất lớn. Không chỉ giúp đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, điều trước đây vẫn bị xem nhẹ ở nhiều vùng quê.
Người dân chung tay dọn dẹp rác vào mỗi sáng thứ Bảy.
Theo chân nhóm hội viên của thôn Hưng Nghĩa, trong buổi dọn vệ sinh sáng thứ Bảy. Trên đoạn đường dài chừng 300 m, mười mấy người chia nhau từng việc. Ai quét rác, ai xén cỏ, ai xúc đất, ai hốt rác bỏ bao… mọi việc diễn ra nhịp nhàng như một “đội quân chuyên nghiệp”.
Bà Ngô Thị Minh (SN 1962) chia sẻ bản thân rất phấn khởi khi được giúp một chút công sức để dọn dẹp vệ sinh bảo vệ môi trường.
“Công việc cũng nhẹ nhàng, chỉ làm khoảng chừng một tiếng đồng hồ nhưng ai cũng hăng say, trên tinh thần vừa hưởng ứng phong trào, đồng thời cũng vận động chân tay như thể dục mỗi buổi sáng. Dọn vệ sinh xong, chị em trong hội cũng tụ lại trò chuyện, nghỉ ngơi uống nước, thấy cuộc đời càng thêm vui, ý nghĩa”, bà Minh vui vẻ nói.
Mỗi người dân là một chiến sĩ vì môi trường
Điều đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Hiệp cho biết nhận thức rõ được lợi ích của việc phân loại rác nên các hội viên Hội nông dân trong quá trình quét dọn cũng tiến hành phân loại rác thải.
Người dân chung tay dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường.
Bên cạnh việc tận dụng rác hữu cơ đã qua ủ - xử lý để trồng rau, bón cây, Hội còn kết hợp tuyên truyền, vận động mỗi hộ nông dân trang bị thùng ủ rác hữu cơ để ủ rác thải trong nhà bếp của mình, hỗ trợ, hướng dẫn bà con làm đúng, vừa đỡ gánh nặng cho môi trường, vừa tạo nguồn phân bón sinh học giúp đất không bị bạc màu như khi dùng phân bón hóa học.
Ngoài dọn vệ sinh định kỳ, ở đây còn triển khai mô hình tuyến đường tự quản. Mỗi con đường, mỗi tổ dân cư sẽ cử ra một nhóm hộ dân thay phiên nhau chịu trách nhiệm giữ gìn vệ sinh.
Theo lãnh đạo xã Tuy Phước (tỉnh Gia Lai), “ngày thứ Bảy xanh”, là việc làm thường xuyên và đều đặn của Hội Nông dân xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định (cũ) trong nhiều năm qua. Việc này cũng xuất phát từ thực tế môi trường chưa được sạch sẽ do ý thức của người dân chưa cao, nên từng Hội - Đoàn thể của xã đã đăng ký nhận tuyến đường tự quản và định kỳ ra quân hàng tuần.
Qua triển khai, các thành viên của Hội luôn hăng hái, sáng tạo, đi đầu trong việc thực hiện làm sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường. Hoạt động cũng góp phần tuyên truyền sâu rộng đến từng hội viên và người dân trên địa bàn xã để cùng chung tay bảo vệ môi trường nông thôn, giữ gìn vệ sinh công cộng, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trên địa bàn.
Phát quang đường làng ngõ xóm.
Từ khi có “ngày thứ Bảy xanh”, các tuyến đường của xã Phước Nghĩa trước đây không chỉ sạch mà còn trở nên thân thiện hơn.
Nhìn lại hơn hai năm thực hiện, những buổi dọn vệ sinh thứ Bảy không chỉ làm sạch đường làng mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng có ý thức, có trách nhiệm với môi trường sống của chính mình. Không khẩu hiệu rầm rộ, không phong trào hình thức, “ngày thứ Bảy xanh” ở Tuy Phước là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của sự bền bỉ, của tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ vì môi trường”.
“Sau sắp xếp lại các xã, Hội vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường chung vào mỗi ngày cuối tuần, tới đây sẽ có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi tổ chịu trách nhiệm phụ trách mỗi thôn. Chắc chắn với sự nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao, các hội viên Hội nông dân sẽ góp phần tích cực trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp cho môi trường xã luôn xanh - sạch - đẹp”, bà Hiệp chia sẻ.
Trương Định