Ngày mới ở Đông Sơn

Ngày mới ở Đông Sơn
5 giờ trướcBài gốc
Tự hào một tên gọi
Tháng 6/2025, tôi tìm về khu rừng An Tráng, thôn Nhơn Hòa 1, xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Đông Sơn). Nằm hút sâu trong khu rừng già cây xanh tỏa bóng là Nhà bia di tích căn cứ huyện Đông Sơn. Cạnh nhà bia là những thân cây gỗ lớn hàng trăm năm tuổi. Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bình Tân Phú Nguyễn Quốc Vương (hiện là Trợ lý Ban CHQS xã Đông Sơn) giới thiệu đầy tự hào rằng, căn cứ huyện Đông Sơn ở khu rừng An Tráng được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2011. Huyện Đông Sơn được thành lập và lấy căn cứ tại đây từ tháng 8/1970 đến tháng 4/1975, bao gồm 5 xã phía đông nam của huyện Bình Sơn và 9 xã khu đông huyện Sơn Tịnh và một phần xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Khu rừng An Tráng này được lựa chọn làm căn cứ của các cơ quan Huyện ủy, UBND cách mạng huyện Đông Sơn, bởi đây là một khu rừng già, núi rừng bao bọc cả 3 mặt, nằm giữa 2 cánh đồng là đồng Cả và đồng Soi. Nơi đây trở thành căn cứ quan trọng của huyện Đông Sơn để xây dựng và bảo vệ lực lượng cách mạng trước các cuộc tấn công đánh phá của địch.
Một góc xã Đông Sơn nhìn từ trên cao.
Trên tấm bia di tích có ghi: “Tại căn cứ này, Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Đông Sơn đã kiên cường, dũng cảm đề ra phương pháp lãnh đạo phong trào cách mạng, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc trong đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận và xây dựng hậu phương, hậu cần tại chỗ, liên tục tiến công và nổi dậy đập tan kế hoạch bình định, các cuộc tiến công càn quét của địch, góp phần xứng đáng vào giải phóng tỉnh Quảng Ngãi và công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Ông Nguyễn Tấn Minh (71 tuổi), người làng An Tráng dẫn chúng tôi lên tận khu rừng phía sau nhà bia di tích căn cứ huyện Đông Sơn rồi chỉ từng căn hầm bí mật đang phủ kín bởi những lớp lá cây rừng. Ông Minh bảo, có một điều đặc biệt là huyện Đông Sơn từng có 2 lần được thành lập. Lần thứ nhất, giai đoạn 1961 - 1965; lần thứ 2 là 1970 - 1975. Năm 1961, bọn ngụy quyền rào ấp chiến lược, đời sống nhân dân khi đó vô cùng khổ cực. Phong trào diệt ác, phá kìm phát triển mạnh mẽ. Để kịp thời chỉ đạo phong trào trong các khu vực, tháng 12/1961, Tỉnh ủy quyết định tách 9 xã đông Bình Sơn gồm (Bình Tân cũ, Bình Phú cũ, Bình Châu, Bình Thanh, Bình Hiệp, Bình Hòa, Bình Hải, Bình Phước, Bình Trị và đảo Lý Sơn, cùng 9 xã khu đông Sơn Tịnh) để thành lập huyện Đông Sơn. Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang huyện Đông Sơn, nhân dân trong huyện nổi dậy phá ấp chiến lược, truy bắt bọn ác ôn, vùng lên giải phóng các xã trên địa bàn huyện, làm nên những chiến công vang dội. Tháng 4/1965, Tỉnh ủy quyết định giải thể huyện Đông Sơn, 9 xã phía đông huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn sáp nhập trở lại huyện Bình Sơn. Chín xã khu đông Sơn Tịnh cũng được sáp nhập về lại huyện Sơn Tịnh.
Viết tiếp câu chuyện hòa bình
Huyện Đông Sơn xưa lấy xã Bình Tân Phú (cũ) làm căn cứ, nay xã Đông Sơn mới cũng lấy Bình Tân Phú làm nơi đặt trụ sở chính. Có phải là ngẫu nhiên hay “duyên định” nhưng hẳn là một cuộc trùng phùng sau 64 năm để Đông Sơn nay nối gót Đông Sơn xưa viết tiếp câu chuyện của hòa bình, của đổi mới và phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trước sự đánh phá ác liệt của địch, để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời hoạt động cách mạng, ngày 5/8/1970 Tỉnh ủy quyết định tách 3 xã Bình Châu, Bình Phú (cũ), Bình Tân (cũ) cùng các xã đông Sơn Tịnh để thành lập lại huyện Đông Sơn. Đến tháng 2/1971 tiếp tục sắp xếp các xã Bình Hiệp, Bình Thanh và Bình Yến, Bình Vĩnh (nay là Lý Sơn) về huyện Đông Sơn. Giai đoạn này, Đảng bộ, quân và dân huyện Đông Sơn tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng làm nên nhiều chiến công vang dội. Sau ngày giải phóng, vào tháng 4/1975, huyện Đông Sơn kết thúc sứ mệnh vẻ vang của một huyện “2 lần sinh ra” để làm cách mạng, để góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng Quảng Ngãi, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc trùng phùng đầy duyên nợ
Cứ ngỡ sau 2 lần thành lập, sau 2 lần các xã đông Bình Sơn, đông Sơn Tịnh nhập, tách rồi tách, nhập thì tên gọi chính quyền Đông Sơn sẽ mãi nằm trong những trang sử đầy tự hào của nhân dân huyện Đông Sơn một thuở. Nhưng giờ đây, tên gọi Đông Sơn được nhắc đến và trở thành tên của một chính quyền xã mới - xã Đông Sơn. Xã Đông Sơn thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 xã gồm Bình Châu, Bình Tân Phú, Bình Thanh, Bình Hiệp (huyện Bình Sơn cũ) và Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi cũ). Toàn xã có hơn 56 nghìn người dân.
Bà Phạm Thị Xuân (71 tuổi), ở thôn Phú Nhiêu 1, xã Đông Sơn phấn khởi nói, trong kháng chiến, huyện Đông Sơn được thành lập để đáp ứng cho nhiệm vụ đấu tranh giải phóng quê nhà. Còn giờ một xã Đông Sơn mới được thành lập để thực hiện nhiệm vụ sáp nhập, tinh gọn bộ máy vì sự phát triển của quê hương. Tôi rất mừng. Mừng nhất là lấy tên gọi Đông Sơn để đặt tên cho xã mới. Điều này giúp nhắc nhớ về một thời lịch sử đáng tự hào của huyện Đông Sơn ngày trước.
Di tích căn cứ huyện Đông Sơn trong khu rừng An Tráng, xã Bình Tân Phú (nay là xã Đông Sơn).
Vui nhất có lẽ là những người từng là cán bộ huyện Đông Sơn như ông Đồng Công Điền (78 tuổi), thương binh 2/4, sinh sống ở gần di tích căn cứ huyện Đông Sơn. Những năm 1970 - 1972, ông Điền là Chánh Văn phòng Huyện ủy Đông Sơn. “Ngày xưa chiến tranh rất ác liệt nên căn cứ huyện Đông Sơn đặt ở khu rừng An Tráng nhưng cán bộ huyện hoạt động không cố định, phải di chuyển liên tục. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, quân và dân Đông Sơn luôn đoàn kết, đấu tranh giải phóng quê hương. Giờ rất mừng khi nhập một số xã từng thuộc huyện Đông Sơn và lấy tên gọi là xã Đông Sơn. Tôi hy vọng xã Đông Sơn sẽ phát triển mạnh mẽ để xứng đáng với những gì mà thế hệ đi trước đã xây đắp”, ông Điền thổ lộ.
Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn Nguyễn Tưởng Duy nhận định, với vị trí chiến lược nằm trong vùng phát triển của KKT Dung Quất, Đông Sơn hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành địa phương năng động, hiện đại và bền vững trong tương lai. Xã Đông Sơn sau sáp nhập có lợi thế rất lớn về phát triển công nghiệp nhẹ, hậu cần nghề cá, cảng biển, nông nghiệp dược liệu và phát triển du lịch sinh thái biển. Định hướng của Đảng bộ và chính quyền xã là sẽ ưu tiên xây dựng chính quyền số, phục vụ nhân dân tận tâm, lấy chuyển đổi số làm động lực nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng hành chính công. Đông Sơn phấn đấu hướng đến xã ven biển hiện đại, sinh thái, đáng sống, kết nối giữa truyền thống và phát triển.
Ngày 1/7/2025, xã Đông Sơn chính thức xuất hiện trên bản đồ hành chính tỉnh Quảng Ngãi cũng là lúc một ngày mới, một cơ hội mới, một vận hội mới ở Đông Sơn đang bắt đầu...
Bài, ảnh: VÕ MINH HUY
Nguồn Quảng Ngãi : https://baoquangngai.vn/ngay-moi-o-dong-son-54180.htm