Những “cuộc gặp” kinh hoàng
Trong những ngày đầu tháng 3/2025, anh Lâm Văn Tuấn, nhân viên chốt 21-100, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đưa chúng tôi đến khu vực cây gừa cổ thụ nằm giữa cánh rừng nguyên sinh. Nơi đây trước kia là khu vực đóng chốt của lực lượng làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô, anh em trong đơn vị hay gọi là “chốt con khỉ”, vì khu vực này có rất nhiều khỉ sinh sống.
Anh Tuấn kể lại, cách đây hơn 20 năm, vào cuối tháng Giêng, đầu tháng 2, nước dưới chân rừng tràm bắt đầu khô cạn, các loại dây leo trên thân tràm dần khô héo, báo hiệu một mùa khô gay gắt sắp đến. Khoảng hơn 9 giờ tối, anh em trong đội chuẩn bị đi ngủ thì tự nhiên nghe dưới gốc cây gừa, bên kia bờ kênh có tiếng động mạnh pha lẫn tiếng la thất thanh của một con chồn, hay khỉ gì đó. Nghi chuyện chẳng lành nên một thành viên trong đội nhanh chân chạy ra rọi đèn pin quan sát. Sau một hồi rọi đèn, anh Võ Văn Tẽng, người đầu tiên nhìn thấy, run rẩy chạy vô, kể lại: “Con gì, nó to lắm, cái đầu bự bằng phích nước, hai con mắt đỏ rực, to bằng ngón tay cái, cái mình bằng cây chuối, đang đuổi bắt con mồi. Hình như con rắn, bự lắm”.
Anh Lâm Văn Tuấn, nhân viên chốt 21- 100, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, kể lại chuyện gặp rắn hổ mây vào khoảng 20 năm trước.
Nghe nói thế, cả đội cùng chạy ra kiểm tra thì thấy con rắn đang ngóc đầu lên khỏi mặt đất độ khoảng 3-4 m, đuổi bắt con mồi. Cả nhóm hốt hoảng vội tắt đèn pin chạy vô chòi trốn vì sợ con rắn thấy được ánh sáng rồi bò theo, gây nguy hiểm. Sau đó, cả đội vội lấy máy bộ đàm icom gọi điện báo lại với lãnh đạo trạm, sau đó được lệnh lãnh đạo kêu lên chòi đứng, cách đó khoảng 2 km, được xây dựng kiên cố, để ngủ cho an toàn. Sáng hôm sau, cả đội trở lại chốt tiếp tục làm nhiệm vụ như mọi khi.
“Sau đó hơn một tuần, vào một buổi sáng, một thành viên trong chốt đang đứng dưới một cái cầu tạm (để anh em dễ múc nước dưới kênh lên sinh hoạt) câu cá lóc, bỗng nhiên nghe tiếng soạt soạt trong lau sậy, liền bỏ câu chạy vô chòi, nói: “Nó tới nữa rồi mấy ông ơi, con rắn hổ mây to lắm, cái mình nó bự như cột nhà, màu xám xịt đang đuổi bắt con mồi”. Sau đó tôi tiếp tục báo cáo sự việc với cấp trên, lãnh đạo không ai tin và cho rằng cả đội bịa chuyện”, anh Tuấn kể tiếp.
Những câu chuyện rùng rợn về rắn hổ mây khổng lồ ở U Minh Hạ, những người dân địa phương và các nhân viên kiểm lâm vẫn còn lưu truyền đầy bí ẩn.
“Khoảng một tháng sau, ông Nguyễn Quang Của (Chín Của), khi ấy là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, cùng một anh chạy xe máy, tên Hóa, đi kiểm tra thực tế tình hình khô hạn của rừng. Khi xe chạy tới giữa ruột rừng, ông Chín bất ngờ thấy phía trước có cái gì đó đang nằm đường. Lại gần, ông Chín phát hiện đó là một con rắn đang bò ngang đường. Thấy vậy, anh Hóa thắng xe gấp rồi quay đầu bỏ chạy, không dám nhìn lại. Từ đó, lãnh đạo đơn vị không còn nói nhóm giữ rừng của trạm tôi bịa chuyện nữa”, anh Tuấn kể thêm.
Dấu vết của “thần rừng”
Những câu chuyện kể về rắn hổ mây khổ lồ từng xuất hiện ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ vẫn còn hằn sâu trong tâm trí nhiều người, trong đó có nhiều người đã được “diện kiến” nó.
Anh Nguyễn Tấn Truyền, Trưởng phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, kể lại: “Vào mùa khô năm 2014, anh Ngô Văn Kháng, là nhân viên kiểm lâm, cùng anh em đang đi tuần tra rừng vào buổi trưa thì bất ngờ thấy con rắn hổ mây lớn đang bò ngang đường. Hoảng sợ với con rắn hổ mây khổng lồ vừa thấy, anh Kháng chạy một mạch về báo. Tôi và anh em trong đơn vị chạy xe máy vào đúng địa điểm anh Kháng chỉ, tôi kiểm tra và ghi nhận đúng vết bò của một cái thân to lớn để lại trên nền đất mềm và cỏ sậy bị gãy, dạt ra hai bên khoảng 20 cm, cách đó không xa có nhiều mẩu phân rắn to bằng bắp đùi người lớn”.
Ðiều làm anh Truyền tiếc nhất là tới nay anh vẫn chưa có cơ duyên được chạm mặt “thần rừng” lần nào. “Thần rừng” là cách anh Truyền gọi rắn hổ mây khổng lồ ở đại ngàn U Minh, bởi theo anh, nhiều người cao niên xưa đặt tên loài rắn hổ lớn này là hổ mây, vì chúng di chuyển nhanh, như “đi mây về gió”.
Từ sau lần được xem “dấu thần rừng” đến nay đã hơn 11 năm, anh Truyền cùng một người thợ rừng nơi đây vẫn luôn sưu tầm, săn lùng tư liệu, hình ảnh về rắn hổ mây khổng lồ ở rừng U Minh.
“Có nhiều người gặp rắn hổ mây khổng lồ đang sinh sống ở rừng U Minh Hạ, nhưng tôi chưa có duyên được diện kiến dù chỉ một lần. Tôi tin rằng, những câu chuyện kể về rắn hổ mây khổng lồ là có thật, chứ không phải là chuyện kể thần thoại”, anh Truyền khẳng định./.
Trung Ðỉnh - Lâm Tuấn