Tàu không gian của Liên Xô rơi lại xuống Trái Đất

Tàu không gian của Liên Xô rơi lại xuống Trái Đất
18 giờ trướcBài gốc
Sau hơn nửa thế kỷ bay quanh hành tinh màu xanh như một vật thể không kiểm soát, ngày 10/5 vừa qua, tàu thăm dò Kosmos 482 đã rơi trở lại Trái Đất. Tàu vũ trụ này là một phần của chương trình Venera của Liên Xô, được thiết kế để hạ cánh và thăm dò lên sao Kim năm 1972.
Trước đó, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho biết tàu đã tái nhập khí quyển sau khi không xuất hiện trên trạm radar tại Đức như dự kiến. Quá trình ngoài tầm kiểm soát này diễn ra lúc 9h24 sáng (theo giờ Moscow) trên khu vực Ấn Độ Dương, phía tây Jakarta, Indonesia, theo Cơ quan Vũ trụ RosCosmos của Nga.
Phần lớn con tàu đã rơi trở lại Trái Đất trong vòng một thập kỷ sau vụ phóng thất bại. Bộ phận hạ cánh hình cầu, có đường kính ước chừng 1 mét, là phần cuối cùng của con tàu rơi xuống. Theo các chuyên gia, bộ phận này được bọc trong lớp titan và nặng hơn 495 kg.
Điều khiến Kosmos 482 trở nên khác biệt là khả năng sống sót sau khi lao vào khí quyển cao hơn bình thường. Hiện vẫn chưa rõ chính xác nơi con tàu nặng nửa tấn này đi vào khí quyển, cũng như có bao nhiêu phần còn sót lại sau quá trình lao xuống dữ dội từ quỹ đạo.
Tàu Venera-4 thời Liên Xô có thiết kế tương tự như Kosmos 482. Ảnh: Wikimedia.
Do thiết kế để hạ cánh xuống hành tinh nóng nhất Hệ Mặt Trời, các chuyên gia từng nhận xét một phần, thậm chí toàn bộ thiết bị sẽ còn nguyên vẹn. May mắn thay, có vẻ như Kosmos 482 đã rơi xuống biển một cách an toàn, không gây thiệt hại.
Vụ việc của Kosmos 482 đã thu hút sự chú ý của chuyên gia đến vấn đề rác thải không gian đang ngày càng nghiêm trọng. Trung bình, mỗi ngày có ba mảnh rác không gian có kích thước đáng kể rơi trở lại Trái Đất. Theo thống kê của Space.com, con số này chỉ có xu hướng gia tăng.
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết quỹ đạo Trái Đất đang chứa khoảng 14.240 vật thể bay, 11.400 trong số đó vẫn đang hoạt động. Phần lớn các thiết bị thuộc về chùm vệ tinh Starlink cung cấp Internet băng thông rộng của SpaceX. Đơn vị này hiện sở hữu khoảng 7.200 vệ tinh và vẫn đang tiếp tục mở rộng.
Nhiều đơn vị khác cũng thi nhau trong cuộc đua vũ trụ. Amazon vừa phóng lô thiết bị đầu tiên cho mạng lưới Internet băng thông rộng Project Kuiper. Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, dự án sẽ có tổng cộng 3.200 vệ tinh. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã phóng thành công hai chùm vệ tinh lớn, được thiết kế để chứa ít nhất 13.000 thiết bị bay.
Nguy cơ gây thương tích hoặc thiệt hại tài sản từ mỗi lần tái nhập khí quyển là rất nhỏ, vì phần lớn các mảnh vỡ sẽ cháy rụi trong không khí, còn những mảnh không cháy hết thường rơi xuống đại dương hoặc các vùng đất không có người ở. Tuy nhiên, các quan chức ESA dự đoán tần suất tái nhập khí quyển sẽ tăng lên, đi kèm rủi ro xảy ra va chạm gây hủy hoại.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang lên tiếng cảnh báo về ô nhiễm do vệ tinh tái nhập gây ra. Chúng có thể làm tổn hại đến tầng ozone và ảnh hưởng đến khí hậu hành tinh chúng ta.
Nhật Tường
Nguồn Znews : https://znews.vn/tau-khong-gian-cua-lien-xo-roi-lai-xuong-trai-dat-post1552433.html