Bí ẩn về giun tử thần Mông Cổ có gai, nọc độc và gây sốc điện

Bí ẩn về giun tử thần Mông Cổ có gai, nọc độc và gây sốc điện
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh mô tả ginn tử thần Mông Cổ. Ảnh: Wikimedia Commons
Theo các thông tin và truyền thuyết từ xưa, giun tử thần Mông Cổ là một loài giun cát dài, hình dạng như chiếc xúc xích khổng lồ, có màu đỏ đậm và gai nhô ra ở cả hai đầu. Sinh vật này được cho là sống dưới lớp cát của sa mạc Gobi và có khả năng phun ra chất độc mạnh đủ để làm mòn kim loại hoặc sốc điện đủ mạnh để giết một người trưởng thành. Tuy nhiên, dù truyền thuyết về loài giun này vẫn tồn tại, nhưng không ai từng đưa ra được bằng chứng cụ thể về việc đã thấy nó tận mắt.
Chuyện về giun tử thần Mông Cổ tồn tại trong các câu chuyện truyền miệng qua nhiều thế hệ. Các bộ tộc du mục ở Mông Cổ gọi nó là allghoi khorkhoi, nghĩa là “giun ruột” do nó được cho là giống với ruột bò. Sinh vật giống giun này có làn da đỏ như máu, có thể dài đến 1,5 mét. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không giống như loài giun bình thường. Giun tử thần Mông Cổ có những đặc điểm đáng sợ riêng.
Trong cuốn sách “The Unexplained: An Illustrated Guide to the World’s Natural And Paranormal Mysteries” (tạm dịch: Điều không được giải thích: Hướng dẫn có minh họa về bí ẩn thiên nhiên và siêu thường của thế giới), nhà sinh vật học người Anh Karl Shuker đã ghi nhận rằng giun tử thần Mông Cổ có các gai nhọn ở cả hai đầu cơ thể. Nó cũng có những cách tấn công đáng sợ nhằm vào con người và các loài động vật khác. Sinh vật này có khả năng phun ra chất độc ăn mòn hoặc phát ra cú sốc điện cực mạnh, gây chết người.
Theo truyền thuyết, những sinh vật đáng sợ này dành phần lớn thời gian ẩn dưới cát sa mạc Gobi, nhưng chúng thường xuất hiện trong những tháng ẩm ướt của tháng 6 và tháng 7. Nếu người địa phương bắt gặp loài sinh vật này, họ sẽ tránh xa.
Dù có rất nhiều câu chuyện về khả năng phóng nọc độc chết người và vẻ ngoài kinh dị của loài giun này, nhưng đến nay vẫn chưa có ai chụp được ảnh nó dù rất nỗ lực.
Các nhà nghiên cứu tò mò và những nhà thám hiểm dũng cảm đã lùng sục sa mạc Gobi để tìm kiếm sinh vật huyền thoại này. Nổi tiếng nhất là nhà nghiên cứu sinh vật bí ẩn người Séc, ông Ivan Mackerle, người đã ba lần đến Mông Cổ vào các năm 1990, 1992, và 2004 để tìm kiếm con giun.
Ông Mackerle lần đầu tiên nghe về giun tử thần khi còn nhỏ và tình cờ đọc tác phẩm của nhà cổ sinh vật học Ivan Yefremov. Lúc học đại học, sau khi gặp một sinh viên người Mông Cổ tin vào sự tồn tại của con giun bí ẩn này, Mackerle đã trở nên ám ảnh. Ông đã lùng sục các tài liệu Mông Cổ để tìm manh mối về giun tử thần và cuối cùng được chính phủ cho phép thực hiện nghiên cứu ở đó khi ông ngoài 40 tuổi.
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Dune” của Frank Herbert xuất bản năm 1965, trong đó có những con giun cát khổng lồ bị thu hút bởi các tiếng động có nhịp, nhóm thám hiểm của Mackerle đã thử nhiều cách khác nhau để tạo ra các tiếng rung dưới lòng đất trong quá trình tìm kiếm giun tử thần Mông Cổ.
Một nhà khoa học đã tìm cách ghi lại hình ảnh của loài giun tử thần này bằng cách lắp đặt các camera di động trong sa mạc suốt đêm.
Mặc dù truyền thuyết về giun tử thần Mông Cổ vẫn còn rất mạnh mẽ trong cộng đồng địa phương, nhưng sự tồn tại của loài sinh vật này vẫn chưa được chứng minh qua bằng chứng vật lý hoặc nghiên cứu nào.
Nhà nghiên cứu động vật học Roy Chapman Andrews. Ảnh: Wikimedia Commons
Nhà nghiên cứu động vật học Roy Chapman Andrews là nhà nghiên cứu phương Tây đầu tiên ghi nhận truyền thuyết về sinh vật này. Ông đã biết về sinh vật bí ẩn này từ các quan chức Mông Cổ trước khi tham gia cuộc thám hiểm tiên phong để ghi lại hình ảnh về động vật hoang dã ở Mông Cổ. Trong cuốn sách “On the Trail of Ancient Man” (tạm dịch: Lần theo dấu của người cổ đại) năm 1926, Andrews đã viết: “Thủ tướng đã yêu cầu tôi nếu có thể, hãy bắt một con allergorhai-horhai cho chính phủ Mông Cổ... Không ai trong số những người có mặt từng thấy sinh vật này, nhưng họ đều tin tưởng chắc chắn rằng nó tồn tại và miêu tả rất chi tiết... Thủ tướng nói rằng mặc dù ông chưa từng thấy nó, nhưng ông biết một người đã thấy và sống sót để kể lại. Một bộ trưởng cũng khẳng định rằng 'người em họ của chị vợ đã qua đời' của ông cũng từng thấy nó”.
Tuy nhiên, câu chuyện về giun tử thần Mông Cổ chỉ là một ghi chú nhỏ trong cuốn sách của Andrews. Các nhà khoa học đã bác bỏ sinh vật huyền bí này do thiếu bằng chứng khoa học.
Nhưng cũng có khả năng sinh vật như giun tử thần Mông Cổ có thể tồn tại. Sa mạc Gobi là một khu vực rộng lớn, trải dài trên gần 1,3 triệu km với địa hình gồ ghề, điều này làm tăng khả năng tồn tại của các loài động vật chưa được phát hiện.
Thêm vào đó, người ta biết rằng có những loài giun sống trong cát thay vì đất, chẳng hạn như loài giun biển khổng lồ (Australonuphis teres) ở Australia.
Hơn nữa, hệ thống tuần hoàn của loài giun hoạt động bằng cách hấp thụ oxy qua da và vận chuyển khắp cơ thể. Điều này có thể giúp chúng phát triển đến kích thước lớn như chiều dài 1,5 mét được cho là của giun tử thần.
Ảnh minh họa: Animal Planet/YouTube
Tuy nhiên, không ai có thể chụp được bằng chứng hình ảnh về giun tử thần Mông Cổ. Vậy truyền thuyết này bắt đầu như thế nào?
Có một vài giả thuyết có thể giải thích cho truyền thuyết về giun tử thần Mông Cổ. Giả thuyết đầu tiên là những câu chuyện này có thể thực sự đúng, nhưng giống như hầu hết các câu chuyện được truyền miệng qua nhiều thế hệ, chúng đã bị phóng đại rất nhiều.
Bản dịch tiếng Anh là “death worm” từ tên gọi gốc Mông Cổ cũng có thể gây hiểu nhầm và các chuyên gia tin rằng nếu sinh vật này tồn tại, nó có thể là một loài bò sát, không phải là một loài giun mềm.
Hoặc nó có thể là loài thằn lằn giun, trông giống như một con giun lớn không có chân, đào hang dưới lòng đất và phát triển chiều dài đến vài mét, hoặc một loại trăn cát có thể đã truyền cảm hứng cho truyền thuyết về giun tử thần.
Dù truyền thuyết về giun tử thần Mông Cổ bắt đầu như thế nào, các nhà nghiên cứu về sinh vật bí ẩn vẫn không từ bỏ hy vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ tìm thấy nó.
Thùy Dương/Báo Tin tức (Allthatsinteresting)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi-bi-an/bi-an-ve-giun-tu-than-mong-co-co-gai-noc-doc-va-gay-soc-dien-20241024095759391.htm