Bị kỷ luật, buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, liệu có bất công?

Bị kỷ luật, buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, liệu có bất công?
3 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Điểm đáng lưu ý, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung và loại trừ 4 nhóm đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cụ thể gồm: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ Luật Lao động; Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động; và Người lao động bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương). Ảnh: Như Ý
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, nội dung này sẽ gây bất lợi cho người lao động. Theo đại biểu, thực tế nhiều trường hợp đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp nhưng không thể hưởng vì lý do bất khả kháng, phải đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thể báo trước. Hoặc đôi khi người lao động vi phạm kỷ luật không hoàn toàn xuất phát từ lỗi cá nhân mà từ áp lực, hay nhiều điều kiện làm việc bất công, dẫn đến mất cân bằng quyền lợi cho người lao động.
Do đó, đại biểu kiến nghị xem xét, quy định điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo theo nguyên tắc "có đóng, có hưởng" nhằm cân bằng, hài hòa quyền lợi của người lao động khi thất nghiệp, kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các trường hợp bất khả kháng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: Như Ý
Cùng quan tâm đến điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, quy định như vậy là bất công đối với những người vi phạm pháp luật, bị đuổi việc, hoặc bị sa thải nhưng đã đóng bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm thất nghiệp.
“Tiền của người ta đã đóng vào mà giờ không cho người ta hưởng là điều bất hợp lý. Những đối tượng này mà không cho hưởng lao động thất nghiệp sẽ rất khó khăn cho sau này. Tôi đề nghị quy định có đóng có hưởng, dù bất cứ người đó là ai, dù người ta ở tù nhưng sau khi ra tù người ta cũng phải được hưởng”, ông Hòa nói.
Đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%
Liên quan đến điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) băn khoăn trong trường hợp người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc trái pháp luật, họ vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ việc này có thể kéo dài vài năm. Do vậy, đại biểu Sang đề nghị dự thảo luật làm rõ trong thời gian này, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không.
Đáng lưu ý hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất (trước khi thất nghiệp).
Đại biểu cho rằng, mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chứ chưa kể đến chi phí gia đình. Bởi hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Vì vậy, đại biểu Sang đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) băn khoăn khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang do 2 cơ quan cùng tổ chức thực hiện và chưa kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với nhau. Theo bà, đây cũng là khó khăn trong việc kiểm soát Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, phòng ngừa trục lợi chính sách hiện nay.
“Tôi đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về liên kết cơ sở dữ liệu, lộ trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu và quy định thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp”, bà Sửu nêu.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Như Ý
Tiếp thu, giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Việc làm hiện hành, sau 10 năm đã có nhiều quy định không còn phù hợp. Chúng ta đang thiếu cơ chế để phát huy tối đa nguồn lực xã hội, không theo kịp xu thế và thiếu các cơ chế để thúc đẩy giải quyết việc làm.
Theo ông Dung, lần sửa đổi này sẽ bổ sung, làm rõ hơn thể chế, góp phần quản trị, đặc biệt là tạo ra một khung khổ pháp lý để tạo việc làm đầy đủ, chất lượng và năng suất lao động cao.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/bi-ky-luat-buoc-thoi-viec-khong-duoc-huong-tro-cap-that-nghiep-lieu-co-bat-cong-post1695288.tpo