Phần lớn người cao tuổi có thu nhập thấp. Ảnh minh họa.
Góp ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trong phiên thảo luận ngày 27/11, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến chính sách Nhà nước về tạo việc làm cho nhóm người cao tuổi để đảm bảo an sinh xã hội.
CẦN CHÍNH SÁCH ĐỂ TẬN DỤNG NGUỒN LAO ĐỘNG CÓ KINH NGHIỆM, CHẤT LƯỢNG
Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn tỉnh Thái Bình, đề cập thực tế Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, nên tạo cơ hội việc làm và cải thiện quyền cho người lao động cao tuổi trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, khi có thể tiếp tục tận dụng kinh nghiệm, chất xám của lực lượng lao động này, đặc biệt là một số ngành nghề mà người cao tuổi lại là nguồn nhân lực có chất lượng rất cao.
Đại biểu dẫn chứng, ở Nhật Bản, hơn 40 năm trước đã xây dựng một hệ thống giới thiệu việc làm cho người cao tuổi từ cấp thôn, xã tới thành phố. Từ năm 2013, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành, thông qua Bộ luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi.
Như vậy, tạo việc làm cho người cao tuổi là một chính sách hết sức chính đáng. Tuy nhiên, đây lại là một thách thức lớn cho Việt Nam với thực trạng người cao tuổi có những đặc điểm riêng.
Tỷ lệ người cao tuổi tăng hằng năm, tuổi thọ trung bình tăng nhưng số năm sống khỏe và số năm sống với bệnh tật cũng kéo dài xấp xỉ gần 10 năm. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cũng ngày càng cao, chiếm 20%, nên không có đủ tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống.
Chính vì vậy, đại biểu cơ bản đồng thuận với các nội dung quy định về hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi. Tuy nhiên, ở các điều khoản khác liên quan đến các chính sách việc làm, như phát triển kỹ năng nghề, từ việc quy định khung chương trình, trình độ, tiêu chuẩn, việc đánh giá cấp chứng chỉ hành nghề, kỹ năng nghề mà người cao tuổi phải tham gia và chịu chi phối của các quy định này, đại biểu cho rằng khó khả thi.
Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn.
Theo đại biểu, mặc dù luật có quy định Nhà nước sẽ hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, nhưng các quy định này chỉ mang tính chất liệt kê, chưa có giải pháp hỗ trợ cụ thể để có tính chất hiệu quả thực sự khi thực hiện.
“Chúng ta cần xác định rằng nhiều người cao tuổi, đặc biệt trong độ tuổi từ 60 đến 75 thì sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Vì thế, chính sách tạo việc làm cho người cao tuổi cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ và bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng”, đại biểu Trần Khánh Thu nói.
Đồng thời, cũng cần xem xét đến yếu tố địa phương, văn hóa và pháp luật hỗ trợ cho người cao tuổi trong việc tìm kiếm công việc, không chỉ là vấn đề xã hội quan tâm mà còn tạo lợi ích kinh tế - xã hội cho cả quốc gia.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn tỉnh Quảng Bình, cho biết dự thảo luật có quy định 5 chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người cao tuổi, song các chính sách này chưa sát, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người cao tuổi. Thậm chí, có chính sách không có tính khả thi, như đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu đề ra các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi sát hơn. Ví dụ, như hỗ trợ, hướng dẫn rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, hồ sơ liên quan đến giải quyết việc làm; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua việc làm...
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP SỬ DỤNG NGƯỜI CAO TUỔI
Cũng quan tâm đến vấn đề việc làm cho người cao tuổi, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, đoàn TP. Cần Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dẫn thông tin dự báo đến năm 2038, nhóm người cao tuổi Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số. Đến năm 2050, Việt Nam ở trong nhóm các nước có dân số già nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thực tế cho thấy người cao tuổi từ 60-75 vẫn còn sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực làm việc tốt, còn khả năng đóng góp, cống hiến cho xã hội. "Tuy nhiên, phần lớn người cao tuổi ở nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, 70% người cao tuổi phụ thuộc vào chính sách trợ cấp xã hội của ngân sách Nhà nước", đại biểu nói.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, đoàn TP. Cần Thơ. Ảnh: Quochoi.vn.
Theo bà Ánh, già hóa dân số đang là xu hướng mang tính toàn cầu. Nhiều nước xem người cao tuổi là một trong những nguồn nhân lực phát triển của đất nước. Do đó, cần các chương trình, chính sách tạo cơ chế để người cao tuổi phát huy, tham gia vào thị trường lao động.
Đại biểu đề nghị cần thiết kế hẳn một chương riêng trong luật, để quy định đầy đủ về nhận thức xã hội đối với người cao tuổi; về việc làm, quyền và trách nhiệm của họ; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế về việc tạo việc làm phù hợp với người cao tuổi.
Đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cũng cho rằng nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, thì trách nhiệm của những người cao tuổi phải được nâng lên và thể hiện rõ ràng hơn.
Đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn TP. Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn.
Hơn nữa, quốc tế cũng xác định vấn đề người cao tuổi còn là vấn đề quốc gia, người cao tuổi cần được lao động, vận động hợp lý để thể trạng được đảm bảo, trí tuệ không bị sa sút và tăng thêm thu nhập.
“Chúng tôi nghĩ rằng với các cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của đất nước, người cao tuổi cần phải tích cực từ trung ương đến các địa phương, đặc biệt là ở cơ sở. Nếu như người cao tuổi không phải là nòng cốt thì chắc chắn vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của chúng ta sẽ không thể đồng bộ và toàn diện được”, đại biểu đoàn TP. Hà Nội góp ý.
Đồng tình, song đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bổ sung thêm hiện người cao tuổi đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm do vấn đề tuổi tác, sức khỏe và năng suất lao động. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tuyển dụng, sử dụng lao động là người cao tuổi.
Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh quy định về hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi là một bước đi đúng đắn và kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước về chính sách việc làm cho người cao tuổi, và vấn đề già hóa dân số. Đại biểu cũng đề nghị Nhà nước cần có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi như giảm thuế, hỗ trợ tiền mặt hay vốn vay.
Phúc Minh