Đề nghị tăng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp lên 75%

Đề nghị tăng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp lên 75%
5 giờ trướcBài gốc
Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm thảo luận là quy định đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Hưởng 60% không đủ chi phí cuộc sống cá nhân
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) quan tâm đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương hằng tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng gần nhất.
Thực tế với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp trên, người lao động không đủ chi phí cuộc sống, chưa tính đến lo cho gia đình.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang. Ảnh: Quốc hội
Trong khi đó, mức lương doanh nghiệp tham gia BHTN hầu hết theo mức lương tối thiểu vùng, khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng và mức trợ cấp thất nghiệp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng.
“Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng để phù hợp với thực tiễn cuộc sống”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nói.
Ngoài ra, bà cũng đề nghị bỏ quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng.
Theo đại biểu, BHTN thực hiện theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, đóng đến đâu thì hưởng đến đó và không giới hạn để tương thích với Bộ luật Lao động năm 2019 về trợ cấp thôi việc.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cũng đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 70% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đóng gần nhất trước khi thất nghiệp.
Mức hưởng hằng tháng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN. Điều này nhằm hỗ trợ người lao động có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình, tập trung tìm việc mà không phải lo lắng về áp lực tài chính.
Tiền đóng vào mà không cho hưởng là bất hợp lý
Đại biểu tỉnh Bình Dương cũng quan tâm đến Điều 64 dự thảo Luật đã bổ sung và loại trừ 4 nhóm đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng; bị sa thải; bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Tôi cho rằng nội dung này sẽ gây bất lợi cho người lao động. Trên thực tế, nhiều trường hợp đóng đầy đủ BHTN nhưng không thể hưởng vì lý do bất khả kháng. Đôi khi người lao động vi phạm kỷ luật không hoàn toàn xuất phát từ lỗi cá nhân...”, đại biểu phân tích.
Do đó, đại biểu Bảo Trân kiến nghị xem xét, quy định về điều kiện hưởng BHTN đảm bảo theo nguyên tắc có đóng, có hưởng nhằm cân bằng, hài hòa quyền lợi của người lao động khi thất nghiệp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng quy định như dự luật là chưa hợp lý đối với những người bị vi phạm pháp luật, bị đuổi việc.
“Tiền của người ta đã đóng vào mà giờ không cho hưởng là điều bất hợp lý”, đại biểu Hòa nhấn mạnh và cho rằng những đối tượng này không cho hưởng lao động thất nghiệp sẽ rất khó khăn cho họ sau này.
Đại biểu đề nghị quy định có đóng có hưởng, "dù bất cứ người đó là ai, dù người ta ở tù, sau khi ra tù họ cũng phải được hưởng".
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan nghiên cứu bổ sung, đánh giá, tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự luật.
Bộ trưởng thông tin, Việt Nam đã cam kết với quốc tế và bây giờ chúng ta là một trong các nước sáng lập viên trong G20 về Liên minh toàn cầu về chống đói nghèo, việc làm bền vững và an sinh xã hội thỏa đáng.
Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một chính sách xã hội Việt Nam từ ổn định, đảm bảo sang đảm bảo và phát triển. Đến giai đoạn năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, hy vọng Luật Việc làm sẽ tiếp tục có những đổi mới để góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội.
phải HƯỚNG ĐẾN xuất khẩu chuyên gia
Đại biểu Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội) cho biết hiện nay có 15.000 giáo sư, phó giáo sư, trên 25.000 tiến sĩ và rất nhiều giáo sư của Việt Nam đã có danh tiếng trên thế giới, được giải toán học gần ngang với Nobel.
"Chúng tôi nghĩ rằng ở kỷ nguyên tới, chúng ta không thể chỉ xuất khẩu lao động mà phải xuất khẩu các chuyên gia”, ông Cừ nói.
Theo đại biểu, điều đó thể hiện vị thế, danh tiếng của đất nước và là thu nhập cho đất nước. Một chuyên gia lương bình quân cũng phải 10.000 USD.
Ông Cừ cho biết vào những năm 80 chúng ta từng xuất khẩu chuyên gia sang châu Phi, nên có thể tiếp tục phát huy việc này.
"Vấn đề này phải có chương trình, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để chúng ta hội nhập với quốc tế", ông Cừ nhấn mạnh.
Thu Hằng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/de-nghi-tang-muc-huong-bao-hiem-that-nghiep-len-75-2346186.html