Bí mật đằng sau cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Putin và tỷ phú Elon Musk

Bí mật đằng sau cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Putin và tỷ phú Elon Musk
3 giờ trướcBài gốc
Tờ Wall Street Journal đưa tin, kể từ cuối năm 2022, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thường xuyên liên lạc với nhau. Theo một số quan chức Mỹ, châu Âu và Nga, nội dung các cuộc hội đàm này liên quan đến một số vấn đề cá nhân, cũng như về kinh doanh và về các căng thẳng địa chính trị.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và tỷ phú công nghệ Elon Musk. Ảnh: CNN
Hiện nay, ông Elon Musk đang là một trong những người ủng hộ hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, và có khả năng được bổ nhiệm vào chính quyền của ông Trump nếu cựu Tổng thống tái đắc cử. Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Nga đang ngày càng căng thẳng, các cuộc đối thoại giữa ông Musk và ông Putin có thể báo hiệu cho mong muốn hòa giải và chấm dứt chiến tranh tại Ukraine.
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ, trong bối cảnh tỷ phú Elon Musk đang có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan tình báo và quân sự nước này. Được biết, vào năm 2021, Công ty SpaceX của tỷ phú đã trúng một gói thầu trị giá 1,8 tỷ USD, cung cấp bệ phóng tên lửa cho Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Theo tờ Wall Street Journal, một số quan chức Nhà Trắng cho biết họ không hề biết về mối quan hệ giữa ông Musk và ông Putin. Một số quan chức khác đã bày tỏ sự bất bình trước thông tin trên, nhưng khẳng định rằng đến nay, ông Musk vẫn chưa có hành động nào vi phạm đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Tỷ phú Elon Musk từ lâu đã bày tỏ sự hứng thú với Nga và các chương trình tên lửa vũ trụ của quốc gia này. Trong cuốn tiểu sử viết về tỷ phú, tác giả Walter Isaccson cho biết ông Musk đã đến Thủ đô Moscow vào năm 2002 để đàm phán mua tên lửa cho chương trình vũ trụ của mình. Tuy đàm phán đã thất bại, các đối tác người Nga đã tặng cho tỷ phú một trai rượu Vodka có hình ảnh của ông được vẽ lên sao Hỏa.
Kể từ đó, tỷ phủ Elon Musk đã không ít lần “dấn chân” vào lĩnh vực chính trị thế giới. Ông đã nhiều lần gặp gỡ và nói chuyện với các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Argentina Javier Milei, hay cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
Vào tháng 10/2022, ông Musk lần đầu tuyên bố rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chia sẻ trên trang mạng xã hội X, ông Musk chia sẻ rằng cuộc trò chuyện diễn ra vào khoảng tháng 4 năm 2021, với chủ đề chính xoay quanh vấn đề vũ trụ.
Tương tự, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga cũng chỉ liên lạc với Musk một lần qua điện thoại, qua đó ông và tỷ phú Musk đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến vũ trụ, cũng như các công nghệ trong hiện tại và tương lai. Ông Peskov cũng khẳng định cả Tổng thống Putin và các quan chức Điện Kremlin đều không trò chuyện thường xuyên với ông Musk.
Nhưng theo 2 quan chức giấu tên của Nga, Tổng thống Putin cũng như một số các quan chức cấp cao khác đã có nhiều cuộc trò chuyện với ông Musk kể từ năm 2022 đến nay. Một trong những quan chức đó là ông Sergei Kiriyenko, Phó tham mưu trưởng thứ nhất quân đội Nga, nhưng nội dung trao đổi giữa hai người hiện không rõ ràng.
Cuối năm 2022, nhà khoa học chính trị Lan Bremmer, người sáng lập công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại New York, cũng từng chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng ông Musk đã khẳng định mình từng nói chuyện với Tổng thống Putin, và cũng đã biết về “lằn ranh đỏ” của điện Kremlin. Tỷ phú Elon Musk sau đó đã phủ nhận tuyên bố trên.
Các cuộc trò chuyện này cũng đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm của ông Elon Musk về chiến sự Nga - Ukraine. Theo tờ Wall Street Journal, tính đến tháng 7/2022, ông Musk đã cung cấp khoảng 15.000 thiết bị internet Starlink cho binh sĩ Ukraine, nhưng đến tháng 9 năm đó, ông Musk đã dừng cung cấp dịch vụ internet cho các hoạt động quân sự của Ukraine tại bán đảo Crimea.
Tỷ phú Elon Musk sau đó nói rằng ông đã thực hiện động thái này vì thiết bị internet của Starlink chỉ dành cho mục đích dân sự, và ông tin rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào Crimea đều có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Quân đội Ukraine sau đó đã cố gắng thuyết phục ông Musk kích hoạt lại dịch vụ Starlink, nhưng đã không thành công.
Trong năm 2023, ông Musk đã nhiều lần công khai phản đối viện trợ của Mỹ cho Kyiv. Bên cạnh đó, một số các quan chức Ukraine cho biết họ đã chứng kiến quân đội Nga sử dụng chính công nghệ Starlink của ông Musk để liên lạc và mở rộng phạm vi di chuyển máy bay không người lái. Tuy nhiên, ông Musk sau đó đã khẳng định không có thiết bị nào của Starlink đã được bán và sử dụng tại Nga.
Đầu năm nay, ông Musk cũng đã phát sóng một buổi phỏng vấn kéo dài 2 giờ giữa người dẫn chương trình Tucker Carlson và Tổng thống Putin bên trong Điện Kremlin trên trang mạng xã hội X do ông sở hữu.
Trong cuộc phỏng vấn trên, ông Putin khẳng định tỷ phú Musk là một con người rất thông minh. Nhà lãnh đạo Nga chia sẻ: "Không gì có thể cản bước Elon Musk, ông ấy sẽ làm những gì ông ấy nghĩ là phải làm. Bạn cần tìm ra một số điểm chung với ông ấy, bạn cần tìm một số cách để thuyết phục ông ấy".
Phú Quý (theo Wall Street Journal)
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bi-mat-dang-sau-cuoc-tro-chuyen-giua-tong-thong-putin-va-ty-phu-elon-musk-354683.html