Bị thu hồi đất gần 20 năm vẫn chưa nhận được tiền đền bù

Bị thu hồi đất gần 20 năm vẫn chưa nhận được tiền đền bù
14 giờ trướcBài gốc
Đầu những năm 2000, Tổng Công ty Xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng) về xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đầu tư Dự án Nhà máy Xi măng Sông Gianh với công suất 1,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD.
Thời điểm đó, Nhà máy Xi măng Sông Gianh là "đại" dự án của Quảng Bình.
Tháng 6/2005, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định phê duyệt mức bồi thường 1,2 tỉ đồng cho các hộ dân mất đất do GPMB, để xây dựng hành lang mỏ đá vôi trên địa bàn xã Tiến Hóa, phục vụ hoạt động của Nhà máy Xi măng Sông Gianh.
Ban Quản lý Dự án Nhà máy Xi măng Sông Gianh được giao phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa để thực hiện chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay số tiền đền bù vẫn chưa đến tay người dân.
Ông Trần Tiến Lực ở thôn Trung Thủy cho biết: Gia đình ông bị thu hồi hơn 240m² đất nông nghiệp, nằm sát mỏ đá Lèn Na, với mức bồi thường được phê duyệt thời điểm đó là 2,8 triệu đồng. Khi có quyết định thu hồi đất để bàn giao cho Nhà máy, gia đình ông Lực cùng nhiều hộ dân khác đều đồng tình ủng hộ chủ trương chung.
“Đã gần 20 năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được khoản tiền đền bù này mà không biết lý do. Hiện gia đình tôi không còn đất để sản xuất và cũng không được giải thích rõ ràng” - ông Lực nói.
Cạnh đó, hộ bà Nguyễn Thị Châu cũng bị thu hồi 850m² đất nông nghiệp và được tính khoản tiền đền bù là hơn 9,5 triệu đồng. “Đây là khoản tiền rất lớn tại thời điểm đó. Gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, từ cá nhân đến tập thể, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng” – bà Châu bức xúc nói.
Theo thống kê, liên quan đến việc GPMB để xây dựng hành lang mỏ đá vôi, xã Tiến Hóa có 89 hộ dân bị ảnh hưởng. Mức đền bù cho hộ dân thấp nhất là 1,1 triệu đồng, hộ cao nhất là 23 triệu đồng, tùy vào diện tích đất bị thu hồi.
Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa Hoàng Trọng Tài cho biết: Sự việc đã quá lâu, hiện tại địa phương không có danh sách đầy đủ các hộ đã nhận và chưa nhận tiền đền bù. Phản ánh của người dân xã đã thống kê và báo cáo lên các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết.
Người dân mất đất vẫn không biết lí do tại sao mình chưa nhận được tiền đền bù.
UBND xã Tiến Hóa cũng đã có buổi làm việc với Công ty Xi măng Sông Gianh về phản ánh của người dân liên quan đến tiền GPMB. Theo phía công ty, quá trình chi trả tiền bồi thường trước đây do Ban Quản lý Dự án Nhà máy Xi măng Sông Gianh thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay cả Ban này và Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung đã giải thể. Điều này khiến hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc đền bù không còn được lưu trữ, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết.
Mới đây, tại buổi đối thoại với người dân, ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, khẳng định các thủ tục thu hồi đất và bồi thường trước đây đều đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, việc chậm chi trả tiền đền bù thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư - nay là Công ty Xi măng Sông Gianh. Ông Giang yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ chứng minh việc đã chi trả tiền đền bù trước tháng 2/2025. Nếu quá thời hạn, UBND xã sẽ hướng dẫn người dân khởi kiện theo quy định pháp luật.
Sau một thời gian làm ăn, Nhà máy Xi măng Sông Gianh được cổ phần hóa và năm 2018 được bán cho Tập đoàn SCG Thái Lan. Hiện Nhà máy Xi măng Sông Gianh có chủ sở hữu 100% vốn nước ngoài.
Hoàng Nam
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/bi-thu-hoi-dat-gan-20-nam-van-chua-nhan-duoc-tien-den-bu-post1707845.tpo