Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tại cuộc họp triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, ông nhấn mạnh dự án này không những yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và hiện đại, mà còn hướng đến phát triển ngành công nghiệp đường sắt…
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT trước mắt cần khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội trong đầu tư dự án, để làm cơ sở thực hiện. Trong đó, ông lưu ý nội dung dự thảo phải xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết, đặc biệt là dự kiến kế hoạch tổng thể để khai thác, vận hành tuyến bảo đảm khoa học, toàn diện, đồng bộ, khả thi...
Bộ GTVT cũng được giao khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đường sắt cao tốc. Song song đó, rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đào tạo theo đặt hàng của Chính phủ, trong đó nghiên cứu mô hình, phương thức đào tạo.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến được khởi công vào năm 2027. Ảnh minh họa.
Ngành giao thông cần lựa chọn các doanh nghiệp trong nước có năng lực kinh nghiệm để phối hợp, chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao tỉ lệ nội địa hóa; cơ chế lựa chọn nhà thầu phù hợp, như đấu thầu, chỉ định thầu hoặc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng các địa phương tiến hành trước công tác giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ GTVT kiện toàn mô hình Ban Quản lý dự án đường sắt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để chủ động tham mưu, phối hợp xử lý ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án cũng như tiếp nhận quản lý, khai thác, vận hành sau khi dự án hoàn thành.
Bộ Xây dựng được giao chủ trì hướng dẫn quy định về nội dung, yêu cầu của thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở; hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán các gói thầu liên quan đến công tác khảo sát, lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi (theo thiết kế FEED).
Cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cần hướng dẫn áp dụng, sử dụng hệ thống định mức xây dựng, đơn giá, giá xây dựng công trình, sử dụng suất vốn đầu tư của các dự án, công trình đường sắt tương tự để lập tổng mức đầu tư dự án; hướng dẫn áp dụng mẫu hợp đồng của hiệp hội tư vấn quốc tế (hợp đồng FIDIC) để thực hiện các gói thầu thuộc dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước. Song song đó, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng tổ chức lựa chọn tư vấn thẩm tra để tiến hành thẩm tra, thẩm định song song với quá trình lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu phương án huy động vốn đầu tư để thực hiện dự án. Trong đó cần xác định rõ nhu cầu vốn, kế hoạch vốn, các loại nguồn vốn như ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, nguồn thu từ đất đai, xã hội hóa... để có phương án, bố trí kế hoạch vốn phù hợp.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh thành. Điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha. Số dân tái định cư khoảng 120.836 người.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.713.548 tỉ đồng, dự kiến được lấy từ vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, nếu thiếu sẽ xem xét vay ODA có tính ràng buộc thấp. Khoản vay ODA nếu có đã được tính toán lãi vay trong tổng mức đầu tư.
VIẾT LONG