Các loại viêm tai giữa
Viêm tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng với dấu hiệu sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hơn 80% trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi bị ít nhất một đợt viêm tai giữa.
Viêm tai giữa cấp tính: Một biến chứng của rối loạn chức năng vòi nhĩ xảy ra trong một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra.
Viêm tai giữa mạn tính: Tình trạng viêm tai giữa dai dẳng, thường trên 12 tuần. Người bệnh bị chảy mủ lâu ngày qua lỗ thủng màng nhĩ.
Viêm tai giữa ứ dịch: Lúc này tai giữa bị viêm và tiết dịch ở niêm mạc, nhưng dịch này không chảy ra ngoài tai mà ứ lại phía sau màng tai. Dịch ứ có thể là ở dạng thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo dính.
Dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ
Trẻ thường có các dấu hiệu đau tai khi nằm, sốt 38 độ trở lên, khóc nhiều, khó ngủ, nghe kém, mất thăng bằng, dịch chảy ra từ tai, đau đầu, ăn ít, bú kém. Để nhận biết cha mẹ cần căn cứ vào các biểu hiện sau:
Đau tai: Nhắc đến viêm tai giữa thì không thể tránh khỏi việc đau tai. Tùy vào mức độ viêm mà tai có thể đau từ nhẹ đến nặng, gây nên cảm giác khó chịu.
Sốt: Sốt là một trong những biểu hiện của bệnh viêm tai, có thể sốt cao hoặc nhẹ tùy theo thể trạng mỗi người.
Tai chảy dịch mủ: Dịch mủ chảy từ tai ra ngoài là dấu hiệu điển hình của viêm tai. Tuy nhiên khi dịch mủ chảy thì đồng nghĩa với việc đã bị viêm tai giữa nặng.
Gây cảm giác khó chịu: Trẻ bị viêm tai giữa sẽ có biểu hiện quấy khóc, khó chịu hơn bình thường.
Viêm tai giữa xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng thường hay gặp ở trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi.
Chú ý: Khi trẻ có dấu hiệu bệnh lý mũi họng thì cần cho trẻ đi khám để được điều trị sớm, phòng ngừa nguy cơ lan lên tai.
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ viêm tai (như đã nêu ở phần triệu chứng, cần đi khám ở phòng khám có nội soi để được chẩn đoán chính xác.)
Nếu trẻ hay bị viêm tai giữa cấp thì cần tìm nguyên nhân để xử lý như bệnh lý VA, amidan, viêm mũi họng, trào ngược dạ dày thực quản.
Biến chứng của viêm tai giữa
Nhiễm trùng tai: Nếu không được chữa dứt điểm, tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng viêm tai giữa, ảnh hưởng đến khả năng nghe nặng hơn.
Giảm thính giác: Thời gian đầu bị bệnh người bệnh có thể xuất hiện tình trạng mất thính lực nhẹ nhưng khi khỏi bệnh thì cũng thường tự biến mất theo. Tuy nhiên, nếu để tình trạng nhiễm trùng tai lặp đi lặp lại, hoặc tai giữa nhiễm trùng nặng có mủ, có thể dẫn đến mất thính lực nghiêm trọng, tổn thương màng nhĩ và mất thính lực vĩnh viễn.
Chậm nói hoặc chậm phát triển: Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi chẳng may bị viêm tai giữa thì sẽ gây suy giảm thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể cản trở quá trình chậm phản xạ, chậm nói.
Thủng màng nhĩ: Thường người bệnh khi bị thủng màng nhĩ sẽ lành trong vòng 72 giờ, nhưng không ít trường hợp phải phẫu thuật khâu lại màng nhĩ.
Viêm não hoặc màng não: Nếu không điều trị nhiễm trùng hoặc tình trạng bệnh không cải thiện dù đã điều trị có thể gây nhiễm trùng xương chũm gọi là viêm xương chũm, hình thành các u nang chứa đầy mủ, thậm chí gây viêm màng não.
Phòng ngừa viêm tai giữa
Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng, không dùng chung đồ dùng ăn uống.
Che miệng khi ho, hắt hơi.
Trẻ được bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, hạn chế ngậm bình sữa hoặc núm vú giả, tránh để trẻ bị sặc, trớ.
Tiêm vaccine đúng khuyến cáo y khoa để ngăn ngừa cúm và viêm tai giữa.
Giữ ấm trong mùa lạnh, ăn uống, vận động khoa học để tăng cường sức đề kháng.
Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Cuối cùng cần có sức khỏe tốt, môi trường sống lành mạnh bao gồm: Chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động, hoạt động ngoài trời… là phương thuốc phòng bệnh hiệu quả nhất.
BS Nguyễn Văn Dũng