Biến di sản thành trải nghiệm sống động

Biến di sản thành trải nghiệm sống động
8 giờ trướcBài gốc
Tiếp cận di sản theo cách hiện đại, gần gũi
Xu hướng du lịch hiện nay chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa độc đáo và mang tính tương tác, vượt xa các hoạt động tham quan truyền thống. Trong bối cảnh này, du lịch nghệ thuật đêm nổi lên như một tiềm năng lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách về sự hòa mình vào bản sắc địa phương.
Mục tiêu cốt lõi của loại hình này không chỉ là kéo dài thời gian hoạt động, mà còn tạo nên chương trình đặc sắc, tận dụng không khí và vẻ đẹp riêng có của màn đêm để nâng cao giá trị di sản. Đồng thời, hướng đến mang lại cho du khách sự kết nối sâu sắc, thưởng thức các biểu đạt nghệ thuật tại một điểm đến và hòa mình vào đời sống bản địa.
Trình diễn trong tour đêm “Tiếng chuông Trấn Vũ”. Ảnh: VICH
Trên phạm vi toàn cầu, du lịch đêm ngày càng được chú trọng, mang lại nguồn doanh thu thiết yếu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, nâng cao thương hiệu quốc gia và tăng cường khả năng cạnh tranh du lịch tổng thể. Nhiều quốc gia như Italy, Nhật Bản, Ấn Độ… đã thành công trong việc thu hút du khách tới các địa danh biểu tượng vào ban đêm bằng cách áp dụng trình chiếu ánh sáng, âm thanh và nghệ thuật gây ấn tượng mạnh về thị giác, cảm xúc.
Tại Việt Nam, du lịch đêm đang phát triển, gắn với khám phá giá trị văn hóa, thưởng thức nghệ thuật. Mới đây, Hải Phòng ra mắt sản phẩm du lịch đêm đầu tiên, tour “Dấu thiêng Hàng Kênh” tại đình Hàng Kênh, ứng dụng công nghệ số hiện đại, kết hợp nghệ thuật trình diễn dân gian, nghi lễ truyền thống. Các hoạt động tiêu biểu trong tour gồm: biểu diễn múa rối nước trên hồ bán nguyệt và các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc, nghi lễ dâng hương Đức Ngô Vương, tìm hiểu các di sản văn hóa, thưởng thức ẩm thực truyền thống...
Gần đây, Hà Nội nổi lên như một trung tâm của du lịch đêm với hàng loạt sản phẩm độc đáo, kết hợp giữa yếu tố lịch sử, văn hóa và công nghệ hiện đại. Tour đêm “Tiếng chuông Trấn Vũ” tại đền Quán Thánh (dự kiến triển khai từ tháng 8/2025) là sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp trình diễn thực cảnh đầu tiên tại một ngôi đền linh thiêng của Thăng Long xưa. Lấy cảm hứng từ lễ hội truyền thống, chương trình đưa du khách vào hành trình thấm đẫm huyền tích, sắc màu văn hóa dân gian và tín ngưỡng.
Đạo diễn Ninh Quang Trường tiết lộ, phần trình diễn thực cảnh cho tour đêm "Tiếng chuông Trấn Vũ" được hình thành từ sự nghiên cứu các tài liệu lịch sử liên quan đến đền Quán Thánh, các tuồng tích về Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, nghi thức dâng lễ vật truyền thống…
Đội ngũ thực hiện mong muốn những câu chuyện tưởng chừng đã chìm sâu trong thư tịch cổ sẽ được "hồi sinh" qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Qua đó, không chỉ góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống mà còn mang đến một hình thức giải trí mới mẻ, giúp thế hệ trẻ tiếp cận di sản một cách hiện đại và gần gũi hơn.
Tạo sự độc đáo, sức hút cho điểm đến
Việt Nam có bề dày lịch sử, văn hóa với hàng nghìn di tích và di sản phi vật thể từ các huyền thoại, truyền thuyết, lễ hội truyền thống đến các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo... Đây là nguồn tài nguyên vô giá để xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch đêm mang đậm bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, công nghệ giúp biến những không gian di tích vốn tĩnh lặng trở nên huyền ảo, sống động, kích thích mọi giác quan của du khách và tạo ra những trải nghiệm chưa từng có. Việc áp dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại đang mang lại những hiệu ứng ấn tượng, giúp kể chuyện di sản một cách sinh động, hấp dẫn hơn.
Kho tàng di sản văn hóa phong phú kết hợp ứng dụng công nghệ tạo sức hút cho tour đêm. Ảnh: Minh Sơn
Theo GS. TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhận định, về nghệ thuật biểu diễn, dưới góc độ nghệ thuật trình diễn dân gian, Hà Nội đã có show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” - một chương trình đã thành sản phẩm cố định về văn hóa. Cũng có thể kể đến các chương trình mapping “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “Đêm thiêng liêng” tại Nhà tù Hỏa Lò, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long… với nhiều sáng tạo cũng như ứng dụng công nghệ.
Ngoài Hà Nội, các chương trình biểu diễn gây tiếng vang tại Hội An, Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh… đang giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bổ sung vào chuỗi trải nghiệm của du khách sau khi các điểm tham quan ban ngày đóng cửa. Tuy nhiên, việc phát triển các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách vào ban đêm tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít rào cản. Chi phí đầu tư công nghệ, dàn dựng, và duy trì các chương trình nghệ thuật thực cảnh thường rất lớn. Yêu cầu đội ngũ chuyên gia về nghệ thuật, lịch sử, công nghệ và quản lý du lịch có trình độ cao.
Bên cạnh đó, cần cân bằng giữa yếu tố trình diễn và sự tôn nghiêm của di tích, khai thác di sản không làm ảnh hưởng đến giá trị gốc. Liên tục đổi mới kịch bản, nội dung, ứng dụng công nghệ mới để giữ chân du khách và tránh sự nhàm chán. Tăng cường truyền thông, quảng bá và liên kết với các công ty lữ hành để đưa sản phẩm đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế…
Theo các chuyên gia, với sự kết hợp giữa giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và ứng dụng công nghệ hiện đại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch đêm hấp dẫn, góp phần không chỉ vào phát triển kinh tế mà còn bảo tồn di sản và quảng bá mạnh mẽ bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới. Vì thế, các địa phương cần có chiến lược đồng bộ, bao gồm chính sách hỗ trợ đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.
Thảo Nguyên
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bien-di-san-thanh-trai-nghiem-song-dong-10379113.html