Biện pháp điều trị hội chứng truyền máu song thai

Biện pháp điều trị hội chứng truyền máu song thai
2 giờ trướcBài gốc
Hội chứng truyền máu song thai có nguy hiểm không?
Hội chứng truyền máu song thai xảy ra khi người mẹ mang thai song sinh cùng trứng, chung bánh nhau, nhưng lại khác túi ối. Hội chứng này xảy ra với khoảng 10-15% trường hợp mang song thai có chung một bánh nhau.
Hội chứng này xảy ra trong trường hợp có hiện tượng kết nối mạch máu bất thường được hình thành trong nhau thai và tình trạng máu phân phối không được đồng đều ở giữa các thai nhi. Điều này dẫn đến một em bé được gọi là thai nhi cho và em bé còn lại được gọi là thai nhi nhận.
Cụ thể là thai nhi cho sẽ truyền máu qua các động mạch đến bánh rau và không nhận được đủ lượng máu có chứa chất dinh dưỡng và oxy trở lại từ bánh rau thông qua tĩnh mạch. Thai nhi cho máu bị giảm thể tích tuần hoàn dẫn tới tình trạng thiểu niệu, thiểu ối và chậm tăng trưởng. Lượng nước ối giảm dần theo thời gian khiến cho thai nhi bị bó chặt bên trong màng ối.
Thai phụ mang song thai cần thường xuyên đi khám đúng lịch tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện chẩn đoán hiện đại...
Đối với thai nhi nhận sẽ được nhận nhiều máu thông qua tĩnh mạch hơn, nên hệ tuần hoàn luôn luôn phải làm việc dẫn đến quá tải, làm suy giảm chức năng tim mạch. Thai nhi được nhận nhiều máu nuôi sẽ có biểu hiện tình trạng đa niệu, bàng quang căng to, đa ối, phù nề, suy tim.
Đây là một tình trạng rất nguy hiểm cho cả 2 thai nhi. Nếu không được điều trị kịp thời, hầu hết các trường hợp đều bị sinh rất non. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong thai nhi là 40% và tỷ lệ tử vong sơ sinh lên đến 60%.
Hội chứng truyền máu song thai không có triệu chứng rõ rệt. Người mẹ thường nhận ra triệu chứng đầu tiên sau tuần thứ 20 của thai kỳ với biểu hiện bụng lớn rất nhanh, có thể khó thở. Khi đi khám thai, hội chứng này thường được phát hiện bằng siêu âm thai trong giai đoạn từ 16 đến 22 tuần. Nếu để đến khi thai phụ cảm thấy tức bụng là đã ở vào giai đoạn muộn, khả năng thai nhi tử vong trong bụng mẹ rất cao.
Do đó, đối với trường hợp mang thai đôi, thai phụ cần đi khám định kỳ, đúng lịch tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện chẩn đoán hiện đại và bác sĩ có đủ kinh nghiệm để được phát hiện và xử trí kịp thời, tránh được các rủi ro và hậu quả nặng nề cho cả thai nhi và thai phụ.
Biện pháp điều trị hội chứng truyền máu song thai
Hội chứng truyền máu song thai cần được chẩn đoán sớm, theo dõi chặt chẽ bằng cách siêu âm thai để kịp thời can thiệp.
Điều trị hội chứng truyền máu song thai có thành công hay không phụ thuộc vào chẩn đoán và can thiệp sớm. Theo đó, các giai đoạn của bệnh được thực hiện bằng siêu âm, phụ thuộc vào từng trường hợp, mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như sức khỏe của cả thai nhi và sản phụ sẽ áp dụng các cách xử trí khác nhau.
Mục tiêu điều trị là giúp cho người mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn và bảo tồn được trạng thái ổn định nhất cho thai nhi đến tận khi các bé chào đời. Hiện nay y học có nhiều tiến bộ và cũng nhiều biện pháp điều trị hội chứng truyền máu song thai được áp dụng:
- Thai phụ sẽ được nghỉ ngơi nhiều và chăm sóc tỉ mỉ trong suốt thời kỳ mang thai. Bổ sung các chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung và các loại vitamin cần thiết cho thai phụ.
- Dùng indocin cho người mẹ.
- Thực hiện truyền máu cho thai trong buồng tử cung.
- Làm giảm thể tích nước ối bằng cách sử dụng chọc nước ối để thoát lượng dư thừa. Giảm thể thích nước ối giúp cải thiện được lưu lượng máu trong nhau thai và hạn chế nguy cơ sinh non. Có khoảng 60% thai nhi được cứu sống nhờ biện pháp này. Tuy nhiên mặt trái của phương pháp này là phải lặp lại nhiều lần, dễ gặp biến chứng nhiễm trùng nên thời gian giữ thai cũng không được lâu.
- Trong một số trường hợp, phải tiến hành phẫu thuật hủy 1 trong 2 thai có chọn lọc. Mặt trái của việc hủy một thai bằng kẹp dây rốn khi thai nhi bất thường hoặc nếu sống sẽ có nguy cơ để lại di chứng cao.
Cách phòng ngừa biến chứng hội chứng truyền máu song thai
Do đây là một hội chứng nguy hiểm, nên thai phụ mang song thai cần được theo dõi sát sao. Thai phụ nên chuyển đến cơ sở sản khoa đủ năng lực chuyên môn để được thăm khám sớm và theo dõi thường xuyên, đặc biệt, nếu thấy bụng to nhanh phải được kiểm tra ngay.
Thai phụ cần được chăm sóc và có chế độ nghỉ ngơi cũng như dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ.
Mục tiêu điều trị là giúp cho người mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho cả mẹ và bé.
- Chế độ nghỉ ngơi: Thận là cơ quan đảm nhiệm vai trò giúp đào thải bớt lượng nước dư thừa, còn tử cung là nơi xảy ra tình trạng truyền máu song thai do các bất thường đến từ vị trí bánh rau. Cách này áp dụng cả cho những thai phụ khỏe mạnh không mắc hội chứng truyền máu song thai.
Do đó, nên lựa chọn những nơi như sofa, giường hoặc sàn để nghỉ ngơi với tư thế nằm nghiêng một bên. Thỉnh thoảng nên đổi tư thế sang nằm ngửa để cải thiện lưu lượng máu được truyền tới thận và tử cung.
- Chế độ dinh dưỡng: Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ, các thai nhi bị truyền máu song thai thường bị thiếu chất đạm và thiếu máu. Do vậy cần áp dụng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ phù hợp với thể trạng của thai phụ, giúp người mẹ có đủ năng lượng, giảm thiểu sự mệt mỏi, tránh hiện tượng đa ối và hạn chế nhu cầu can thiệp bằng xâm lấn cũng như biến chứng truyền máu song thai.
Người mẹ cần được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ.
- Theo dõi quá trình mang thai: Trường hợp mang song thai cùng trứng phải được theo dõi chặt chẽ từ tuần thứ 16 đến khi sinh bằng siêu âm màu doppler, ít nhất 2 tuần một lần. Nếu hội chứng truyền máu song thai được phát hiện trước 20 tuần tuổi thì khả năng chữa trị sẽ cao hơn. Sau 24 tuần thì khả năng can thiệp rất khó khăn và ít thành công.
Theo các nghiên cứu, nhiều trẻ được sinh ra từ hội chứng truyền máu song thai có biểu hiện tổn thương hệ thần kinh. Những trường hợp chỉ một thai nhi tử vong, 30% các thai nhi còn sống có nguy cơ bị di chứng tổn thương não. Trường hợp cả 2 thai đều sống, cơ chế gây tổn thương não có thể là tăng kháng lực mạch do các mạch máu quá nhiều hồng cầu ở thai nhận máu hoặc thiếu máu và giảm oxy máu ở thai cho máu.
Do vậy, những trẻ sinh ra trong trường hợp hội chứng truyền máu song thai cần được kiểm tra hình ảnh của não bộ trong vòng 48 giờ sau sinh và theo dõi chặt chẽ sự phát triển thần kinh về sau. Tiên lượng sống lâu dài cho trẻ bị truyền máu song thai phụ thuộc vào thời gian điều trị sớm cũng như tuổi thai của trẻ khi sinh. Trẻ sơ sinh được điều trị càng sớm và ở trong bụng mẹ càng lâu trước khi sinh thì khả năng gặp biến chứng càng ít.
Đa số các em bé được điều trị thành công đều sống bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số trẻ gặp các triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như thiếu máu nhưng dễ điều trị. Một số ít trẻ gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn như tổn thương não, suy giảm thần kinh và suy tim.
Giữ thành công một thai khỏe mạnh cho sản phụ mang song thai phát triển bất cân xứng I SKĐS
BS. Bạch Thị Cúc
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bien-phap-dieu-tri-hoi-chung-truyen-mau-song-thai-169241115104044428.htm