Biến sỏi đá thành tác phẩm nghệ thuật

Biến sỏi đá thành tác phẩm nghệ thuật
7 giờ trướcBài gốc
Họa sĩ Hạnh Trần bên tác phẩm của mình
Nhắc đến nghệ thuật tranh tái chế, nhiều người thường hình dung những sản phẩm đơn giản, mộc mạc, đôi khi còn gắn với định kiến "kém sang" hay chỉ mang tính trang trí tạm thời. Nhưng họa sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh (Hạnh Trần) đã thay đổi suy nghĩ đó bằng việc thổi hồn vào những viên sỏi, vỏ ốc, mảnh gỗ bỏ đi, biến chúng thành những bức tranh nghệ thuật.
Sau hơn 15 năm gắn bó với tranh sơn dầu tại TPHCM, Hạnh Trần cùng gia đình quyết định trở về quê nhà Đà Nẵng để bắt đầu một cuộc sống mới. Cũng chính từ mảnh vườn nhỏ sau nhà, những nguyên liệu như sỏi, vỏ ốc, dây leo… đã trở thành nguyên liệu giúp chị khởi nguồn sáng tạo.
"Lúc đầu, mình kết hợp giữa vẽ tay và chất liệu tái chế như một sự thay đổi cho bản thân, vừa giúp các con có thêm đồ chơi, vừa giúp các bé học cách quan sát và trân trọng thiên nhiên", chị Hạnh chia sẻ.
Ngắm những tác phẩm của Hạnh Trần, dễ dàng nhận thấy sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng chi tiết. Mỗi bức tranh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn ẩn chứa thông điệp về giá trị bền vững.
Những viên sỏi, những vỏ ốc biển, mảnh gỗ thừa từ xưởng mộc, tất cả qua bàn tay khéo léo và con mắt nghệ sĩ của chị đều trở nên sống động, đầy cảm xúc. Có bức tranh chân dung cô gái với mái tóc biến hóa thành muôn vàn loài hoa, vỏ sò rực rỡ.
Có bức lại mang không khí biển khơi, làng chài đầy thơ mộng, gợi nhớ những ngày hè tươi sáng. Những tông màu rực rỡ, cách sắp đặt duyên dáng và tự nhiên, tạo nên một phong cách rất riêng.
Để thực hiện được những bức tranh ấy, chị Hạnh đã không ngại đi khắp nơi tìm nguyên liệu. Phần lớn vật liệu chị tận dụng từ vườn nhà: cành cây khô, dây leo, những viên sỏi quanh rẫy.
Ngoài ra, chị còn mua thêm vỏ ốc, hạt cà phê, dây thừng… và những mảnh gỗ bị xưởng mộc bỏ đi. Mục tiêu lớn nhất của chị là tái sử dụng tối đa, để mỗi vật phẩm đều được "sống" thêm một lần nữa, thay vì trở thành rác thải.
Một tác phẩm của họa sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh
Khi được hỏi về nguyên tắc sáng tác, Hạnh Trần cho biết: "Mình luôn giữ tiêu chí thân thiện môi trường. Mình phải xử lý kỹ nguyên liệu để đảm bảo độ bền, an toàn và giữ màu lâu dài. Có khi phải học hỏi thêm từ người có chuyên môn về gỗ, hay nghiên cứu các phương pháp bảo quản sỏi và vỏ ốc".
Một điểm thú vị trong hành trình sáng tạo của chị chính là sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật và giáo dục. Với chị, mỗi tác phẩm đều là thông điệp sống xanh, khuyến khích mọi người, đặc biệt là các em nhỏ, học cách quan sát và yêu thiên nhiên hơn.
Tuy nhiên, con đường nghệ thuật gắn với môi trường không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chị từng gặp không ít khó khăn khi làm sạch nguyên liệu, giữ chúng không mốc hay phai màu…
Ngoài ra, một số người vẫn có định kiến rằng đồ tái chế là "hàng rẻ tiền" hoặc "chỉ dùng chơi". Thay vì chán nản, chị chọn cách đối thoại bằng chính những tác phẩm đầy sức sống, giàu tính thẩm mỹ và câu chuyện đằng sau đó.
Trong thời gian tới, Hạnh Trần ấp ủ mong muốn đưa nghệ thuật tái chế đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Chị dự định tổ chức các buổi dạy vẽ và hướng dẫn kết hợp các nguyên liệu tự nhiên vào tranh, từ đó lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường một cách nhẹ nhàng, sáng tạo.
Đồng thời, chị cũng duy trì chia sẻ hành trình của mình qua mạng xã hội, để mọi người có thể theo dõi, học hỏi và truyền cảm hứng cho nhau. Mỗi tác phẩm của chị giống như một lời nhắc nhở: Hãy yêu và gìn giữ từng viên sỏi, từng nhành cây, bởi chúng đều chứa đựng hơi thở và câu chuyện riêng.
An Khê
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/bien-soi-da-thanh-tac-pham-nghe-thuat-20250714151422376.htm