Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng (còn có các cách gọi khác là thuế tương ứng, thuế có qua có lại) quy mô lớn vào ngày 2-4, ngày mà ông gọi là “ngày giải phóng”.
Hiện chưa chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Liệu rằng ông Trump sẽ chọn mức thuế nào cho đợt áp thuế đối ứng này? 10%? 20%? Hay mức 25% như ông đã áp lên thép, nhôm và ô tô nhập khẩu? Vẫn còn nhiều dấu hỏi về việc liệu tổng thống Mỹ có áp thuế đồng loạt hay sẽ áp mức tăng riêng lẻ cho từng quốc gia – một cách tiếp cận mà ông mô tả là “thuế đối ứng”.
Thông báo áp thuế ngày 2-4 là động thái mới nhất trong loạt quyết định thương mại mạnh mẽ mà ông Trump đưa ra kể từ khi quay lại Nhà Trắng vào tháng 1.
Dưới đây là một số thông tin về thuế đối ứng, theo kênh Al Jazeera.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN
Một mức thuế “dễ chịu”
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 31-3, ông Trump cho biết mức thuế của ông sẽ “dễ chịu hơn” so với chính sách của các đối tác thương mại của Mỹ.
“So với họ, chúng ta sẽ rất dễ chịu. Mức thuế sẽ thấp hơn so với những gì họ đã áp lên chúng ta, và trong một số trường hợp, có thể thấp hơn đáng kể” - ông Trump nói với các phóng viên.
Khi được hỏi về chi tiết, tổng thống Mỹ trả lời: “Hai ngày nữa các bạn sẽ thấy”.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhắc lại quan điểm rằng Mỹ đã bị các đối tác thương mại lợi dụng và khẳng định các biện pháp này sẽ mang lại “sự thịnh vượng to lớn” cho nước Mỹ.
Dù tuyên bố rằng thuế sẽ áp dụng với “tất cả các nước”, ông Trump gần đây cũng nói rằng sẵn sàng đàm phán để miễn thuế cho một số quốc gia sau khi công bố chính sách thuế vào ngày 2-4.
“Thuế đối ứng” được cho sẽ là trọng tâm của đợt thuế quan ngày 2-4.
Thuế đối ứng sẽ áp mức thuế tương đương đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, dựa trên mức thuế mà các nước khác áp lên hàng xuất khẩu của Mỹ theo từng sản phẩm cụ thể. Ví dụ, nếu một quốc gia áp thuế 6% đối với giày sản xuất tại Mỹ, ông Trump sẽ đánh thuế giày nhập khẩu từ quốc gia đó ở mức tương tự.
Hiện tại, Mỹ và các đối tác thương mại của mình áp các mức thuế khác nhau cho cùng một loại hàng hóa. Chẳng hạn, Đức áp thuế cao hơn đối với ô tô sản xuất tại Mỹ so với mức thuế mà Washington D.C. đánh lên ô tô nhập khẩu từ Đức.
“Thuế đối ứng có nghĩa là nếu một quốc gia áp thuế cao hơn chúng ta đối với một số sản phẩm nhất định, chúng ta sẽ nâng thuế lên mức tương đương” - ông Alex Jacquez, Giám đốc chính sách và vận động tại viện nghiên cứu Groundwork Collaborative nói với đài CBS News.
Việc thực hiện thuế đối ứng sẽ rất phức tạp về mặt hành chính, do có hàng chục nghìn mã sản phẩm nên sẽ phải có rất nhiều mức thuế suất khác nhau.
“Việc thiết lập thuế đối ứng trên mọi danh mục sản phẩm với tất cả các đối tác thương mại sẽ hoàn toàn không khả thi với năng lực quản lý hiện tại của chúng ta” - ông Jacquez nhận định.
Thị trường phản ứng ra sao?
Một công nhân đang lắp ráp các bộ phận khung xe tại nhà máy lắp ráp General Motors ở bang Indiana (Mỹ). Ảnh: BLOOMBERG
Những tuyên bố của ông Trump về thuế nhập khẩu đã khiến thị trường tài chính chao đảo, các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xác định liệu ông có ý định duy trì mức thuế này lâu dài hay chỉ coi đó là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới.
Hôm 30-3, lo ngại trên thị trường gia tăng sau khi ông Trump tuyên bố thuế sẽ áp dụng với “tất cả các nước”. Cổ phiếu châu Á lao dốc mạnh vào ngày 31-3 do lo ngại thương mại toàn cầu bị gián đoạn. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 4%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3%.
Tại châu Âu, các thị trường cũng chịu áp lực bán tháo: Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,9%, DAX của Đức mất 1,3% và CAC của Pháp giảm 1,6%.
Giá vàng – tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động thị trường – lần đầu tiên vượt mốc 3.100 USD, đạt mức kỷ lục hơn 3.106 USD/ounce.
Ông Dario Perkins, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu tài chính TS Lombard, chỉ ra rằng “phần lớn nhà đầu tư tin rằng toàn cầu hóa sâu rộng có lợi cho lợi nhuận doanh nghiệp và hiệu quả sản xuất. Nếu xu hướng này bị đảo ngược, chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động tiêu cực”.
Theo chuyên gia này, “thị trường tài chính sẽ không phản ứng quá tiêu cực cho đến khi thuế quan thực sự gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Đến khi đó, tác động sẽ không thể bị phớt lờ”.
Các nước đang chuẩn bị thế nào?
Các đối tác thương mại của Mỹ đã bắt đầu có động thái với chính sách thuế của ông Trump.
Thủ tướng Canada Mark Carney gọi động thái của ông Trump là một “đòn tấn công trực diện” vào người lao động Canada.
“Chúng tôi sẽ đáp trả thuế của Mỹ bằng các biện pháp thương mại trả đũa nhằm gây tác động tối đa lên Mỹ và hạn chế ảnh hưởng tại Canada” - ông Carney tuyên bố.
Sau khi ông Trump nâng thuế đối với thép và nhôm vào ngày 11-3, Canada – nhà cung cấp kim loại công nghiệp lớn nhất của Mỹ – thông báo sẽ áp thuế trả đũa 25%, trị giá 20,7 tỉ USD.
Tương tự, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ áp thuế đáp trả lên tới 26 tỉ euro (28 tỉ USD) đối với hàng hóa Mỹ sau thông báo ngày 11-3. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định thuế quan này sẽ “gây hại cho doanh nghiệp” và “còn tệ hơn đối với người tiêu dùng”.
“EU sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán, đồng thời bảo vệ lợi ích kinh tế của mình" - bà von der Leyen viết trên mạng xã hội X ngày 26-3.
Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba cho biết chính phủ nước này sẽ cân nhắc “các biện pháp thích hợp” để đối phó với thuế quan của Mỹ.
THẢO VY