Thị trường chứng khoán phản ứng mạnh với thuế quan: Sau tin xấu nhất có thể sẽ là tin tốt?

Thị trường chứng khoán phản ứng mạnh với thuế quan: Sau tin xấu nhất có thể sẽ là tin tốt?
19 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Như VnEconomy đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 tuyên bố áp thuế quan có đi có lại - hay còn gọi là thuế đối ứng - ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn. Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam bị áp mức thuế 46%. Trong khi các đối tác khác như Trung Quốc 34%; Nhật Bản 24%; Hàn Quốc 25%.
Một quan chức Nhà Trắng đề nghị không tiết lộ danh tính cho biết thuế quan đối ứng với thuế suất cao hơn sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4 và sẽ áp dụng với khoảng 60 quốc gia. Mức thuế cơ sở 10% sẽ có hiệu lực từ ngày thứ Bảy (5/4).
Tuy nhiên, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research, vừa có những bình luận mới nhất về động thái này của Chính quyền Donald Trump.
Thứ nhất, theo ông Hưng, những thông tin hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Thời điểm áp dụng mức thuế cơ bản 10% từ ngày 5/4, còn mức thuế đối ứng khoảng 9/4, đâu đó còn khoảng 1-2 tuần nữa chuyện này mới diễn ra. Danh sách mặt hàng áp thuế cũng chưa rõ, cần có thông tin thêm để xem ảnh hưởng mặt hàng nào.
Câu chuyện này có bất ngờ với thị trường không? Về danh sách nước bị ảnh hưởng thì không, trước đó đã có danh sách gần 60 quốc gia, chúng ta đã biết số lượng quốc gia ảnh hưởng bởi đợt chính sách thuế mới.
Tuy nhiên, điểm bất ngờ là ra con số cao, ví dụ đối với Việt Nam là 90% thuế áp với hàng Mỹ, do đó mức thuế đưa ra áp dụng với Việt Nam 46%.
Tuy nhiên, mức thuế 46% với Việt Nam hay 54% với Trung Quốc giống như mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán để sau đó thuế có thể giảm. Không có nghĩa 46% là mức thuế áp dụng mãi mãi.
Việt Nam chắc là quốc gia duy nhất làm được rất nhiều việc thời gian vừa qua để thể hiện thiện chí của mình trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, như giảm thuế 14 mặt hàng và có thể kỳ vọng nhiều chính sách hơn. Việt Nam cũng đã cho phép Starlink hoạt động ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam đến Hoa kỳ.
Ngày 1/4 vừa qua có bản dự thảo nghị định liên quan đến kiểm soát thương mại chiến lược, có thể hiểu đơn giản đây là văn bản thể hiện hiện chí Việt Nam trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong thương mại và đầu tư, thể hiện cam kết của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Mỹ.
"Các ảnh hưởng ngắn hạn chắc chắn là có nhưng dài hạn không có chuyện mức thuế này kéo dài hàng năm. Sẽ có sự bình thường hóa, đàm phán để Việt Nam có thể chịu thuế thấp hơn thậm chí có thể 10%, ảnh hưởng tới Việt Nam có thể là thấp. Việt Nam cuối cùng vẫn là quốc gia có thể được hưởng lợi", ông Hưng nhấn mạnh.
Đối với thị trường chứng khoán, tin xấu có thể là tin tốt, nhưng không phải lạc quan thái quá.
Khi câu chuyện xấu đến mức này rồi thì các hành động tiếp theo từ phía Chính phủ sẽ phải mạnh hơn để giải quyết vấn đề này chứ không để ảnh hưởng kéo dài được.
Với nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro thương mại thuế quan với Việt Nam lớn nhất nên họ vẫn đang chờ và bán ròng mạnh trong suốt thời gian qua. Khi rủi ro đã được thể hiện, và nó đang thể hiện xấu nhất thì người ta xem xét lại đầu tư vào Việt Nam.
"Họ sẽ xem các nhóm ngành nào có thể có vùng định giá hấp dẫn hơn so với trước có thể giải ngân, do đó tin xấu ra thì đó là điểm họ xem xét lại. Nếu so với định giá với thời điểm chiến tranh thương mại lần đầu 2018, thì giờ còn một nửa, áp lực bán ra mạnh không còn nhiều. Dĩ nhiên tâm lý của nhà đầu tư cá nhân sẽ có bất ổn nhất định. Còn đứng trên quan điểm của nhà đầu tư dài hạn thì thông tin này là điểm để họ đánh giá lại. 8-9/4 áp thuế thì biết đâu có câu chuyện vào ngày đó sẽ có tin tốt hơn", ông Hưng nói.
Tuệ Lâm
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/thi-truong-chung-khoan-phan-ung-manh-voi-thue-quan-sau-tin-xau-nhat-co-the-se-la-tin-tot.htm