Biểu hiện mắc sán lá gan và cách phòng ngừa

Biểu hiện mắc sán lá gan và cách phòng ngừa
3 giờ trướcBài gốc
Những người mắc sán lá gan là những người hay ăn đồ sống, gỏi, rau thủy sinh…; người sống ở ven sông, gần các khu chăn nuôi gia súc như trâu, bò, cừu…; người có tiền sử đã từng ăn cá sống ở vùng dịch tễ.
Đường lây truyền và phân loại sán lá gan
Bệnh sán lá gan lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Người ăn phải thức ăn hoặc nước uống có trứng hoặc ấu trùng nang sẽ bị nhiễm bệnh do ký sinh trùng xâm nhập vào nhu mô gan và hệ thống dẫn mật. Tại đây, sán lá gan trưởng thành đẻ trứng và thải ra môi trường nước bên ngoài qua phân rồi tiếp tục lây lan.
Sán lá gan là một loài ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, gây ra bệnh lý tại nhiều cơ quan nhưng chủ yếu ở gan và đường mật,
Sán lá gan được chia làm hai nhóm: sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ.
Sán lá gan lớn
Sán lá gan lớn (SLGL) là bệnh ký sinh trùng do một số loài sán lá gan thuộc họ Fasciolidae gây nên những tổn thương, những ổ áp xe tại gan hoặc một số cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ.
Sán lá gan lớn có 2 type bao gồm: Fasciola hepatica; Fasciola gigantic. Vật chủ của sán lá gan lớn là người, trâu bò, cừu, động vật có sừng.
Ăn gỏi cá, rau sống làm cho dạng nang ấu trùng (metacercaria) xâm nhập vào dạ dày ruột, rồi tự lột lớp vỏ, xuyên qua màng ruột, theo máu vào gan, phát triển trong tế bào gan, rồi sau đó định hình ở ống mật
Nếu vật chủ thích hợp, chúng có thể tồn tại ở người từ 9 - 13,5 năm. Ấu trùng xuyên qua thành ruột non và xuyên qua phúc mạc xâm nhập bao gan rồi di chuyển dần đến ống gan lớn.
Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị.
Tại đường mật: sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, có thể gây ung thư biểu mô đường mật. Viêm tụy cấp. Có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
Sán lá gan nhỏ
Sán lá gan nhỏ có 3 type bao gồm: Clonorchis sinensis; Opisthorchis viverrini; Opisthorchis felineus. Người mắc sán lá gan nhỏ chủ yếu là do ăn các thức ăn từ cá nấu chưa chín, có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động như gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm dấm, cá hun khói.
Sau khi ăn, ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng nang trong cá đến khi thành sán trưởng thành từ 26 – 30 ngày.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh sán lá gan
1. Sán lá gan lớn
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.
Triệu chứng của bệnh được chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan: Khi người bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn, ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc rồi xuyên thẳng đến gan, xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Đây cũng chính là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất. Kháng thể IgG xuất hiện sau 2 tuần.
Giai đoạn xâm nhập vào đường mật: Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật thành sán trưởng thành và đẻ trứng. Sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm nếu không được phát hiện và điều trị. Tại đường mật, sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, viêm tụy cấp.
2. Sán lá gan nhỏ
Giai đoạn khởi phát người bệnh bị mắc bệnh sán lá gan nhỏ thường bắt đầu với các biểu hiện của rối loạn dạ dày ruột như:
Chán ăn, ăn không tiêu
Đau âm ỉ vùng gan
Tiêu chảy hoặc táo bón thất thường, kèm theo có thể thấy toàn thân phát ban, nổi mẩn.
Giai đoạn sau người bệnh thường đau vùng gan nhiều hơn, kèm theo thiếu máu, vàng da và cổ trướng có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn. Nếu có bội nhiễm do vi khuẩn, bệnh nhân có thể sốt thành từng cơn hoặc sốt kéo dài.
Bệnh sán lá gan nhỏ nếu được chẩn đoán sớm, các biện pháp điều trị thường mang lại hiệu quả cao và hạn chế được nhiều biến chứng nguy hiểm.
Để chẩn đoán một ca bệnh sán lá gan, bác sĩ cần phối hợp các thông tin về đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Phòng ngừa bệnh sán lá gan
Để chẩn đoán một ca bệnh sán lá gan, bác sĩ cần phối hợp các thông tin về đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Điều trị sán lá gan chủ yếu là điều trị nội khoa với các thuốc diệt ký sinh trùng. Các thuốc cần được chỉ định sớm và đúng liều.
Bệnh sán lá gan chủ yếu là do phong tục, tập quán ăn uống của người dân, vì thế việc phòng bệnh hết sức quan trọng, đó là:
Truyền thông giáo dục sức khỏe về đường lây truyền bệnh sán lá gan.
Đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi, không uống nước lã.
Dùng nước từ nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh.
Không ăn sống các loại thực vật tươi sống dưới nước gần các vùng chăn nuôi gia súc.
Định kỳ tẩy sản cho trâu, bò.
Người nghi ngờ bị sán lá gan phải đến bệnh viên chuyên khoa khám và điều trị.
Không ăn gỏi cá, các loại cá chưa được nấu chín.
Bệnh nhân cần được tái khám tại 2 mốc thời gian: sau 3 tháng và sau 6 tháng điều trị.
BS. Nguyễn Thu Hiền
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bieu-hien-mac-san-la-gan-va-cach-phong-ngua-169241009145409225.htm