Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa trên địa bàn tỉnh được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc.
AI ngay trong cuộc sống
Với nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, đông đảo người dân Thái Nguyên đã tiếp xúc với AI từ nhiều năm nay qua các ứng dụng, dịch vụ như: Google, Facebook, YouTube hay TikTok.
Tuy nhiên, khái niệm AI hầu như mới chỉ phổ biến khi ứng dụng ChatGPT ra mắt. Đây là một ứng dụng sử dụng AI cho phép giao tiếp 2 chiều (chat) trên nền tảng Internet và điểm đặc biệt vượt trội là người dùng đầu cuối có thể giao tiếp với “máy” để yêu cầu cung cấp các nội dung, thông tin hay yêu cầu xử lý dữ liệu, công việc cụ thể một cách hoàn toàn tự động.
Sử dụng các thuật toán thông minh, ChatGPT và các ứng dụng tương tự có thể kết nối, chia sẻ kiến thức, tài nguyên rộng lớn từ thế giới Internet một cách khoa học, logic. Các ứng dụng này đã mở ra khả năng tương tác đặc biệt, cho phép người sử dụng không còn giao tiếp bị động mà đã có thể đưa ra quyết định, điều khiển và tạo ra những giá trị mới với AI một cách dễ dàng…
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thái Nguyên là trung tâm vùng, với những kết quả mang tính nền tảng về chuyển đổi số trong thời gian qua, việc triển khai phong trào “Bình dân học AI” không chỉ là xu hướng phát triển mà còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, cũng như có tính chiến lược đối với sự phát triển của một nền kinh tế có lực lượng lao động chất lượng cao.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: AI là con đường ngắn nhất để người lao động Việt Nam tiếp cận kho tri thức quý báu của toàn nhân loại. AI giúp người lao động Việt Nam có cơ hội học các kỹ năng lao động trung tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp cùng lúc với người lao động của các quốc gia phát triển. Do vậy, việc nâng cao năng lực số cho người dân để tiếp cận và khai thác các công nghệ số, nhất là công nghệ AI là cấp thiết, nhằm thúc đẩy kinh tế, nâng cao chất lượng sống, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn...
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và tham mưu với UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển năng lực số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025, trọng tâm là Kế hoạch triển khai Chương trình "Bình dân học AI” giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu HĐND huyện Võ Nhai sử dụng thiết bị thông minh truy cập tài liệu kỳ họp HĐND huyện.
Ít nhất 50% người lao động sử dụng AI
Mục tiêu chung của Đề án Phát triển năng lực số tỉnh Thái Nguyên và Kế hoạch triển khai Chương trình "Bình dân học AI” tỉnh Thái Nguyên là nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc trên môi trường số của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; chú trọng nâng cao năng lực sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo cho người dân theo tinh thần “Bình dân học AI” để hình thành nên lực lượng sản xuất mới cho tỉnh Thái Nguyên, nhằm nâng cao mức sống và mức thu nhập…
Cụ thể, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025: 100% huyện, thành phố ban hành kế hoạch, tổ chức phát động tham gia chương trình “Bình dân học AI”; 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thành lập nhóm nòng cốt lan tỏa AI; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa trên địa bàn tỉnh được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc; phấn đấu 80% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công tác quản trị, tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm; phấn đấu có 80% người trong độ tuổi lao động được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng AI cơ bản online, trong đó có ít nhất 50% người lao động có khả năng sử dụng các kỹ năng AI cơ bản…
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chia sẻ: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hội tụ nhiều công nghệ số hóa đột phá để thực hiện kết nối giữa thế giới thực và không gian số và tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống. Chính vì vậy, đạt được mục tiêu 50% người lao động có khả năng sử dụng các kỹ năng AI cơ bản sẽ giúp cải thiện đáng kể năng suất lao động và tạo ra giá trị sản xuất cao cho xã hội.
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đã bước được xây dựng các chương trình đào tạo về AI. Trong ảnh, Sinh viên thực hành trên hệ thống phòng máy hiện đại.
Xóa bỏ rào cản công nghệ
Để vượt rào cản công nghệ, “Bình dân học AI” đã xây dựng một chương trình phù hợp với từng đối tượng học viên với mục đích giúp mọi người dân tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi) làm chủ và sử dụng được AI trong cuộc sống.
Chương trình gồm 5 bậc trình độ từ cơ bản đến nâng cao với học liệu chuẩn hóa từ hệ thống LuyenAI.vn với 3 phương pháp học giúp người học dễ tiếp thu gồm: Micro-learning: Học tập vi mô - 15 phút mỗi ngày; kỹ thuật Feynman: Học thông qua giảng dạy; Gamification: Học mà chơi, chơi mà học.
Ông Lê Công Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ InfoRe, doanh nghiệp sáng lập và vận hành hệ thống LuyenAI.vn, khẳng định: Mục tiêu của dự án là giúp mọi người học cách sử dụng AI một cách đơn giản và trở thành công cụ làm việc hằng ngày hiệu quả. Đơn cử như người nông dân có thể dùng AI để dự báo mùa vụ, tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu chi phí. Nông dân học cách sử dụng các ứng dụng AI để phân tích hình ảnh và nhận diện các vấn đề của cây trồng như sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng hay độ ẩm của đất.
Ngoài ra, hình thức học tập Micro-learning cũng là một trong những yếu tố sáng tạo của dự án, giúp người học dễ dàng tiếp cận kiến thức AI dù thời gian hạn hẹp. Mỗi người sẽ dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để tìm hiểu và thực hành ứng dụng AI. Quá trình học này đều được ghi nhận, đánh giá và phản hồi qua hệ thống AI, và giúp người học nhận thấy sự tiến bộ của bản thân...
“Bình dân học AI” giúp người lao động kết nối với kho tri thức nhân loại thông qua AI; hình thành tư duy “AI First” (ưu tiên AI) và văn hóa ứng dụng “AI xứ Trà” trong giải quyết vấn đề, giúp cộng hưởng trí tuệ cá nhân của mỗi người với trí tuệ nhân tạo.
Thu Hà