Số phận của 5-10 tỉ chiếc điện thoại thông minh cũ trong ngăn kéo

Số phận của 5-10 tỉ chiếc điện thoại thông minh cũ trong ngăn kéo
4 giờ trướcBài gốc
Chúng ta nói nhiều về ô nhiễm nhựa, nhưng ít ai để ý đến một loại rác thải nguy hiểm không kém, rác thải điện tử. Sau mỗi mùa mua sắm công nghệ rộn ràng, bên cạnh những thiết bị mới là số phận của hàng tỉ chiếc điện thoại thông minh cũ kỹ, lặng lẽ nằm im trong ngăn kéo, tủ đựng đồ.
Thiết bị công nghệ không được tái chế đúng cách sẽ trở thành rác thải điện tử. Ảnh: TIỂU MINH/AI
Khi các thiết bị công nghệ bị lãng quên
Khảo sát gần đây của GSMA (Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu), dù xu hướng trao tặng lại điện thoại cũ đang dần phổ biến, với khoảng 40% thiết bị được "tái sinh" qua tay người thân, thì vẫn còn đến 75% người dùng cất giữ ít nhất một chiếc điện thoại không còn sử dụng. Ước tính trên toàn cầu, con số này lên tới 5-10 tỉ chiếc.
Điều này xuất phát từ nhiều lý do, đơn cử như lo lắng mất dữ liệu (27%). Nhiều người vẫn giữ lại điện thoại cũ như một biện pháp sao lưu an toàn, dù ít khi sử dụng đến.
Bên cạnh đó, 20% số người được khảo sát thừa nhận họ đơn giản là không biết phải làm gì với những thiết bị này. Thiếu thông tin về các chương trình thu cũ, tái chế hoặc đơn giản là sự lười biếng đã khiến họ chọn giải pháp cất giữ.
Nhiều chiếc điện thoại thông minh cũ nằm trong ngăn kéo, tủ đồ và không được tái chế đúng cách. Ảnh: TIỂU MINH/AI
Những hệ lụy khó lường
Hàng tỉ chiếc điện thoại thông minh cũ bị bỏ quên không chỉ là sự lãng phí tài nguyên mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Các thiết bị điện tử chứa nhiều chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium, nếu không được xử lý đúng cách sẽ rò rỉ ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và không khí.
Hơn nữa, việc sản xuất điện thoại đòi hỏi khai thác các kim loại quý hiếm như vàng, bạc, đồng, coban. Việc không tái chế đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn tài nguyên hữu hạn và tiếp tục gây áp lực lên hoạt động khai thác, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Tuy nhiên, bức tranh không hoàn toàn u ám. Nhận thức về tác động môi trường của rác thải điện tử đang dần được nâng cao. Các chương trình thu cũ đổi mới, đi kèm ưu đãi và cam kết bảo mật dữ liệu, đang dần thuyết phục người dùng "chia tay" với những thiết bị lỗi thời một cách có trách nhiệm.
Steven Moore, Trưởng phòng Hành động vì Khí hậu tại GSMA, khẳng định đây là một bước tiến quan trọng hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, nơi tái sử dụng và giảm thiểu chất thải được ưu tiên.
GSMA ước tính rằng nếu chỉ một nửa trong số 5 tỉ thiết bị không hoạt động được tái chế, chúng ta có thể thu hồi tới 8 tỉ đô la giá trị khoáng sản. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng, có thể được tái sử dụng trong sản xuất điện thoại mới, pin xe điện và nhiều ứng dụng công nghệ khác.
Một tín hiệu đáng mừng khác là sự tăng trưởng của thị trường điện thoại đã qua sử dụng và tân trang. Theo khảo sát, 14% điện thoại đang được sử dụng hiện nay thuộc phân khúc này. Doanh số điện thoại đã qua sử dụng tăng 6% trong năm 2023, trong khi doanh số điện thoại mới giảm 4%. Xu hướng này cho thấy người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen, hướng tới lựa chọn bền vững và tiết kiệm hơn.
Tiểu Minh
Nguồn PLO : https://plo.vn/so-phan-cua-5-10-ti-chiec-dien-thoai-thong-minh-cu-trong-ngan-keo-post825291.html