Đến ngày 20/11, tỉnh Bình Định đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm và giám sát 22 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút, kết quả xét nghiệm có 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1pdm; Trong đó, 4 trường hợp tử vong liên quan cúm A/H1pdm. Ca bệnh mắc Cúm A/H1pdm, chuyển nặng, tử vong có dấu hiệu tăng nhanh trong hai tuần gần đây.
Chăm sóc bệnh nhân tại một bệnh viện ở tỉnh Bình Định.
Sở Y tế tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện trường hợp người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm thì cần áp dụng ngay biện pháp cách ly y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm y tế tuyến huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật để phối hợp giám sát, phòng chống dịch bệnh;
Cần nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 2078/QĐ-BYT ngày 23/6/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa. Các trường hợp bệnh có dấu hiệu chuyển nặng cần kết hợp điều trị hồi sức tích cực với điều trị căn nguyên và chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ cần được xem xét, chỉ định sử dụng ngay thuốc kháng vi rút; Xem xét thực hiện điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm.
Các cơ sở y tế chủ động đảm bảo cơ số thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir phục vụ công tác khám bệnh, điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn.
Thanh Thắng/VOV-Miền Trung