Ông Đỗ Minh Dưỡng, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thống kê tỉnh Bình Định. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Năm 2025 được xác định là năm "tăng tốc", "bứt phá". Năm 2025 cũng là năm cuối về đích kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Cùng với cả nước, Bình Định đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) từ 7,6% - 8,5% và quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ở mức hai con số.
Để đạt được mục tiêu trong năm 2025, Bình Định tiếp tục phát huy những tiềm năng lợi thế, thúc đẩy nội lực của nền kinh tế, làm mới, bổ sung các động lực tăng trưởng... Nhằm hiểu rõ hơn những khó khăn, thách thức và cơ hội của nền kinh tế trong năm 2025 của tỉnh Bình Định, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi ông Đỗ Minh Dưỡng, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thống kê tỉnh Bình Định xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong năm 2024, tăng 7,78% so với năm trước. Trước những thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, xin ông cho biết mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2025? Và đâu là những động lực tăng trưởng trong năm 2025)?
Ông Đỗ Minh Dưỡng: Năm 2025, được xác định là năm "tăng tốc", "bứt phá". Năm 2025 cũng là năm cuối về đích kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Cùng với cả nước, Bình Định đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) từ 7,6% - 8,5%, và quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ở mức hai con số. Cụ thể: tốc độ tăng GRDP đạt 10% (trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,8%; công nghiệp và xây dựng tăng 14,3%; dịch vụ tăng 10,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,5%).
Để đạt được mục tiêu trong năm 2025, Bình Định tiếp tục phát huy những tiềm năng lợi thế, thúc đẩy nội lực của nền kinh tế, làm mới, bổ sung các động lực tăng trưởng; đồng thời, tập trung thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện các dự án lớn đưa vào sản xuất, cụ thể:
Đối với ngành công nghiệp, năm 2025, dự kiến có 55 dự án với tổng vốn đầu tư 6.604 tỷ đồng (15 dự án trọng điểm, vốn đầu tư 5.376 tỷ đồng) đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp mới, đóng góp tăng từ 2,5-3 điểm % trở lên. Đối với ngành xây dựng, trong năm 2025 hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án mới, có quy mô lớn, đột phá, mang tính dẫn dắt. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch các công trình trọng điểm của tỉnh đang triển khai.
Đối với ngành thương mại dịch vụ, tỉnh sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại; tăng cường xúc tiến thương mại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; triển khai hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào các lĩnh vực, gồm: công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, bệnh viện quốc tế, trường quốc tế; thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Australia, các quốc gia châu Âu nổi tiếng có kinh nghiệm phát triển công nghiệp và có công nghệ sạch, hiện đại.
Phóng viên: Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xin ông cho biết những thuận lợi và các rào cản đối với khu vực doanh nghiệp của tỉnh phải đối mặt? Doanh nghiệp đã có giải pháp gì để đạt hiệu quả cao trong thời gian qua?
Ông Đỗ Minh Dưỡng: Doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra sản phẩm vật chất và dịch vụ, đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm tại địa phương.
Tôi cho rằng, thời gian qua, Bình Định đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, đưa ra các chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt tại khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước; các chính sách, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ mới và nâng cao năng lực sản xuất cũng là một yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn; đặc biệt, nhiều quy định mới, nhất là những chính sách thuế khó lường của Chính phủ Mỹ sắp tới sẽ tác động tới nền kinh tế thế giới; trong đó, có nhiều ngành xuất khẩu của Bình Định như thủy sản, may mặc, gia giày, đồ gỗ…
Cùng với đó, môi trường kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn như: lãi suất cao, biến động tỷ giá USD/VND lớn; giá nguyên liệu, vật liệu đầu vào tăng, thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ trong nước, gỗ nhập khẩu thiếu giấy phép khai thác; thiếu hụt công nhân có tay nghề…
Để đạt hiệu quả cao trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp như đầu tư vào công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất để giảm chi phí. Một số doanh nghiệp cũng chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu; đồng thời, việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động cũng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời gian dài.
Phóng viên: Bên cạnh việc triển khai các giải pháp của Chính phủ, Bình Định có giải pháp riêng của tỉnh để hỗ trợ các đơn vị sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) và người lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh không, thưa ông?
Ông Đỗ Minh Dưỡng: Bên cạnh việc triển khai các giải pháp của Chính phủ, tỉnh Bình Định đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; đó là: triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân trong hoạt động sản xuất và kinh doanh…
Ngoài ra, một số giải pháp khác như triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh, bám sát mục tiêu của giai đoạn 2021-2025; thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị lĩnh vực sản xuất, chế biến; thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Những giải pháp trên thể hiện cam kết của tỉnh Bình Định trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh phát triển bền vững trong năm 2025 và thời gian tới.
Tỉnh Bình Định kí kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Sỹ Thắng - TTXVN
Phóng viên: Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (cụ thể là điều tra doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động nông, lâm nghiệp, thủy sản bắt đầu từ 1/4/2025) sắp được tiến hành, việc thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đến đâu? Xin ông cho biết những giải pháp Ban Chỉ đạo cuộc Tổng điều tra của tỉnh Bình Định đưa ra để trển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất?
Ông Đỗ Minh Dưỡng: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là một cuộc Tổng điều tra quan trọng của quốc gia thu thập thông tin thực trạng nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thông tin về cư dân nông thôn; thực trạng nông thôn và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, gắn với tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, phục vụ cho việc đánh giá thực trạng, xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, cải thiện mức sống cư dân nông thôn và nhiều mục tiêu lớn khác.
Đối với công tác chuẩn bị, tỉnh Bình Định đã thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Định đã ban hành Công văn số 02/CV-BCĐ về việc hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã. Đến nay, Bình Định đã thành lập xong Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, 10/11 BCĐ cấp huyện và 139/159 Ban Chỉ đạo cấp xã.
Về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, tỉnh sẽ hoàn thiện kế hoạch Tổng điều tra, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; đồng thời, thực hiện tuyển chọn các giám sát viên, điều tra viên. Tổ chức hội nghị tập huấn thu thập thông tin phiếu bảng kê hộ và trang trại trước tháng 3/2025; tập huấn nghiệp vụ các phiếu điều tra và ứng dụng công nghệ thông tin vào tháng 5/2025.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tổ chức thành công thu thập thông tin tại địa bàn từ ngày 01/7/2025, tổng hợp thông tin từ các nguồn dữ liệu hành chính; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội để bảo đảm sự thành công của cuộc tổng điều tra.
Nhận thức được tầm quan trọng và mục đích của cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp tỉnh Bình Định trong thời gian tới sẽ bám sát Kế hoạch và hướng dẫn Ban chỉ đạo Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo Tổng điều tra tại tỉnh thành công và đạt chất lượng cao.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!
Thúy Hiền (Thực hiện)/BNEWS/TTXVN