Nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao trong nhiệm kỳ mới của ông Trump?

Nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao trong nhiệm kỳ mới của ông Trump?
4 giờ trướcBài gốc
Các chính sách kinh tế của ông Trump trong nhiệm kỳ mới sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters.
Lần thứ hai nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Trump dự kiến tiếp tục theo đuổi chiến lược “Nước Mỹ trên hết” với một tầm nhìn rõ ràng: Giảm thiểu thâm hụt thương mại, bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa và đưa nước Mỹ trở thành trung tâm sản xuất và đổi mới.
Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, chính sách kinh tế toàn cầu sẽ có sự thay đổi lớn, đặc biệt là trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia lớn như Trung Quốc, EU và các nền kinh tế đang phát triển.
Trong nhiệm kỳ tới, ông Trump dự kiến tiếp tục áp dụng chủ nghĩa bảo hộ, điều này có thể dẫn đến một cuộc "cách mạng" trong cách các quốc gia tương tác với nhau về thương mại và đầu tư.
Đồng thời, chính sách của Trump sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới các nền kinh tế trên thế giới và cả các thỏa thuận thương mại quốc tế, từ Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (USMCA) đến các hiệp định với EU và các khu vực khác, với mục tiêu ưu tiên lợi ích kinh tế của Mỹ trước tiên.
Trung Quốc: Đủ linh hoạt để vượt chông gai?
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức mang theo các kế hoạch cứng rắn nhằm siết chặt Trung Quốc về thương mại, sản xuất và công nghệ. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới.
Ông Trump từng đe dọa áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc - một động thái dự báo khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gặp thêm khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng chậm, tiêu dùng yếu và khủng hoảng bất động sản. Với sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và đầu tư, những thách thức này càng trở nên nghiêm trọng với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo Financial Times, tác động từ thuế quan của Mỹ có thể không nặng nề như dự đoán. Hiện tại, xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 2,8% GDP Trung Quốc. Dù mức thuế tăng từ 15% lên 60%, GDP nước này ước tính chỉ giảm khoảng 1%. Trung Quốc đã chủ động đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới nổi và duy trì thương mại với các quốc gia phát triển ngoài Mỹ.
Trước nguy cơ bị hạn chế thương mại, Trung Quốc đang tăng tốc chiến lược tự chủ công nghệ, khuyến khích đổi mới nội địa và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược để giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tận dụng các nước trung gian để “vòng qua” hàng rào thuế quan của Mỹ. Đồng thời, việc điều chỉnh giá trị đồng nhân dân tệ có thể giữ vững lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa nước này.
Với vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất pin và công nghệ cao, Trung Quốc vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nền kinh tế gần 18.000 tỷ USD này đã xây dựng chiến lược công nghiệp dài hạn, không chỉ tập trung vào giá rẻ mà còn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao. Hiện tại, Trung Quốc chiếm hơn 30% sản lượng sản xuất toàn cầu, vượt qua sản lượng của 9 nhà sản xuất lớn tiếp theo cộng lại.
Khả năng sản xuất của Trung Quốc trong các lĩnh vực đang bỏ xa các đối thủ cạnh tranh. Biểu đồ: Financial Times.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã vượt trội trong 57/64 công nghệ quan trọng, bao gồm AI và chất bán dẫn, theo Viện Chiến lược Australia. Các biện pháp hạn chế từ Mỹ thậm chí còn thúc đẩy Trung Quốc tập trung hơn vào đổi mới và sản xuất nội địa.
“Trên thực tế, các hạn chế của Mỹ đã thúc đẩy động lực đổi mới của Trung Quốc”, Dan Wang, một thành viên tại Trung tâm Paul Tsai China của Trường Luật Yale cho biết. “Trước đây, Huawei và BYD sẽ mua các linh kiện tốt nhất trên thị trường, nhưng giờ đây các ưu đãi của họ lại phù hợp với chính phủ Trung Quốc. Tiền của Huawei hiện được chuyển cho các công ty bán dẫn địa phương”.
Dù vậy, con đường phía trước không hẳn bằng phẳng. Chính sách bảo hộ của ông Trump có thể gây ra bất ổn toàn cầu, làm giảm nhu cầu thị trường và tăng sức ép lên kinh tế Trung Quốc. Các quốc gia khác cũng có thể gia tăng biện pháp bảo hộ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, mô hình đổi mới do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc không phải "thuốc chữa bách bệnh". Nếu phân bổ nguồn lực không hợp lý, các quyết định của chính phủ có thể dẫn đến lãng phí.
Bên cạnh đó, Reuters cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn là tâm điểm theo dõi của giới đầu tư, vì kết quả từ đây có thể ảnh hưởng lớn đến dòng chảy thương mại và bức tranh kinh tế toàn cầu.
Canada và Mexico: Liên minh tam giác lung lay
Chính sách thương mại mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đặc biệt đề xuất áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho hai quốc gia láng giềng.
Động thái này có nguy cơ đảo lộn Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), vốn được đàm phán trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của chính ông Trump.
Tại Canada, các mức thuế quan đề xuất được dự báo tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là sản xuất và nông nghiệp. Theo đánh giá sơ bộ từ tỉnh British Columbia, các lĩnh vực vận tải và bán lẻ cũng đối mặt nguy cơ mất việc làm, với thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 69 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2028.
CEO Goldy Hyder của Hội đồng Doanh nghiệp Canada (BCC) chia sẻ với CNN, dù các doanh nghiệp đã chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại, cú sốc từ thuế quan vẫn sẽ rất lớn.
Chính phủ Canada đã nhanh chóng triển khai chiến lược "Team Canada", kêu gọi sự phối hợp giữa chính quyền liên bang và các tỉnh để đối phó với tình hình, theo tờ báo Policy Options của Canada.
Tương tự, Mexico cũng đứng trước áp lực lớn khi ông Trump đề xuất áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ nước này, với lý do chống buôn lậu ma túy và di cư. Chính sách này có thể khiến đồng peso mất giá, gia tăng lạm phát, giảm xuất khẩu và lượng kiều hối.
Chính phủ của Tổng thống Claudia Sheinbaum đã phản ứng bằng các biện pháp như thay thế nhập khẩu từ châu Á, áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, đồng thời tăng cường thu giữ fentanyl và hàng giả để giảm căng thẳng thương mại.
Theo The Wall Street Journal, các doanh nghiệp Mexico cũng đang thích nghi để đối phó. Một số công ty như Cemex đã chọn hợp tác với chính sách của Mỹ, tìm cách định vị mình như một phần không thể thiếu trong nền kinh tế Bắc Mỹ nhằm xin miễn thuế. Đồng thời, Mexico tăng cường đầu tư vào Mỹ để tận dụng các cơ hội kinh doanh thuận lợi.
Công ty xi măng Cemex cho biết có kế hoạch đầu tư 4-6 tỷ USD vào Mỹ trong 5 năm. Ảnh: Bloomberg.
Trước sức ép gay gắt từ phía chính quyền ông Trump, Tổng thống Claudia Sheinbaum đã khẳng định lập trường mạnh mẽ, tuyên bố: "Mexico không phải thuộc địa của bất kỳ ai", và cảnh báo rằng quốc gia này sẵn sàng thực hiện các biện pháp trả đũa nếu Mỹ thực sự áp thuế.
Liên minh châu Âu: Tiến thoái lưỡng nan
Các chuyên gia dự báo, chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ - đang ngày càng mạnh lên trong nhiệm kỳ mới của ông Trump - sẽ đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào tình thế khó xử.
Ông Trump đe dọa áp thuế tới 20% lên hàng hóa toàn cầu, buộc EU phải lựa chọn: Giữ thuế thấp và chịu tổn thất kinh tế hay dựng lên hàng rào bảo hộ để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, theo The Wall Street Journal.
Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU với kim ngạch hai chiều đạt 8.700 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Mỹ thực sự áp thuế 20% lên hàng hóa EU, xuất khẩu từ khu vực này có thể giảm mạnh, đồng thời hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tràn vào, gây sức ép kép lên các nhà sản xuất châu Âu.
Để giảm căng thẳng, EU sẽ tích cực mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thiết bị quốc phòng từ Mỹ, đồng thời chia sẻ gánh nặng tài chính trong các vấn đề quốc tế như hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, nếu các nỗ lực này không thành công, EU sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp thuế quan nhắm vào các bang nhạy cảm về mặt chính trị tại Mỹ.
Ông Trump đã từng cảnh báo áp thuế lên hàng hóa EU nếu các nước thành viên không tăng cường nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Mỹ. Sự khó lường trong chính sách của ông Trump khiến EU gặp khó khăn trong việc dự đoán và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp.
Một tàu container đang dỡ hàng tại Cảng Barcelona. Ảnh: Bloomberg.
Trước áp lực này, EU đang mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác toàn cầu. Thỏa thuận với Mercosur (Nam Mỹ) và Mexico cho thấy châu Âu đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, khối cũng cải thiện các công cụ pháp lý để đối phó với áp lực kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc.
Một số lãnh đạo, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã kêu gọi EU mạnh tay hơn trong việc bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Ông Macron cho rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã lỗi thời và không còn phù hợp với bối cảnh thương mại hiện tại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng EU không nên từ bỏ hệ thống thương mại toàn cầu. Gabriel Felbermayr, một nhà kinh tế học người Áo, nhấn mạnh: “Đánh mất hệ thống thương mại quốc tế sẽ gây thiệt hại lớn hơn bất kỳ mức thuế quan nào từ Mỹ”.
Các nước Đông Nam Á: Áp lực
Đông Nam Á từ lâu đã hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ, nơi rào cản thương mại giảm dần, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo Fulcrum, các chuyên gia cho rằng chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump có thể phá vỡ trật tự này, đưa thương mại quay về trạng thái "cá lớn nuốt cá bé", đẩy khu vực vào thế bất lợi.
Với sự phụ thuộc cao vào thương mại, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia đứng trước nguy cơ bị tổn thương từ chính sách thuế quan cao và các biện pháp bảo hộ của Mỹ.
Ông Trump coi thương mại như "trò chơi được - mất", nơi các quốc gia có thặng dư thương mại cao tại Đông Nam Á có thể trở thành mục tiêu. Các thỏa thuận trọng thương mà ông theo đuổi không chỉ gia tăng chi phí giao thương mà còn gây khó khăn cho nền kinh tế khu vực.
Các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh trong Lễ khai mạc Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ-Thái Bình Dương vào tháng 9/2023 tại Jakarta (Indonesia). Ảnh: ASEAN Secretariat.
Dưới nhiệm kỳ của ông Trump, căng thẳng Mỹ - Trung gần như chắc chắn leo thang, đặc biệt trong 12-18 tháng đầu. Thuế suất cao, có thể lên tới 60% chỉ là bước khởi đầu, các biện pháp hạn chế thương mại và đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sẽ gia tăng hơn nữa.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dù mang lại lợi ích từ việc dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, nhưng có thể gây thiệt hại do căng thẳng và rào cản thương mại bổ sung.
Bên cạnh đó, công nghệ đang làm tăng tầm quan trọng của an ninh kinh tế, đặc biệt với các sản phẩm công nghệ kép (dual-use). Điều này dẫn đến các rào cản phức tạp hơn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia trong chuỗi cung ứng khu vực từ ôtô đến điện tử tiêu dùng.
Hiệp định USMCA giữa Mỹ - Mexico - Canada cũng có tác động gián tiếp đến Đông Nam Á. Ông Trump dự kiến thắt chặt các điều khoản về quy tắc xuất xứ để ngăn Trung Quốc lách thuế qua Mexico. Điều này có thể làm giảm cơ hội của các nhà sản xuất Đông Nam Á, đặc biệt trong ngành ôtô - nơi Thái Lan, Indonesia đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, ông Trump cũng dự định rút Mỹ khỏi các sáng kiến thương mại như Hiệp định Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), tương tự cách ông rời Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017.
Sự rút lui này làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, tạo điều kiện để Trung Quốc củng cố vị thế. Điều đó khiến các nước Đông Nam Á gặp khó trong việc duy trì cân bằng chiến lược giữa hai cường quốc.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/nen-kinh-te-toan-cau-se-ra-sao-trong-nhiem-ky-moi-cua-ong-trump-post1526169.html