Kinh tế - xã hội 2024 tỉnh Bình Dương phát triển gần như “trọn vẹn”.
Ngày 25/12, tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị giao ban báo chí và truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhưng tỉnh vẫn đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đặt ra.
90% các chỉ tiêu được hoàn thành
Tỉnh Bình dương nhận định, năm 2024 tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức tác động đến sự phát triển của tỉnh, song với tinh thần chủ động quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn nên tình hình kinh tế - xã hội của Bình Dương phát triển tích cực, có nhiều kết quả khả quan.
Đến nay, có 31/36 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và đô thị thông minh đạt và vượt kế hoạch (khoảng 90%) các chỉ tiêu còn lại gần đạt với kế hoạch và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Cụ thể, về phát triển kinh tế, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng gần 7,5%, trong khi đó năm 2023 tăng 5%. Đời sống người dân được nâng cao, GRDP bình quân đầu người đạt trên 181 triệu đồng.
Trong đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh với công nghiệp làm chủ đạo với tỉ trọng 64,93% - dịch vụ 25,08% - nông nghiệp 2,73% - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7,26%.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% (năm 2023 tăng 6,1%); Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 13,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,2% (vượt kế hoạch năm). Thặng dư thương mại đạt 10 tỷ đô la Mỹ.
Trong 36 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và đô thị thông minh có 31 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (khoảng 90%) các chỉ tiêu còn lại gần đạt với kế hoạch và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, năm 2024 nhiều dự án được triển khai và đang đảm bảo theo tiến độ.
Cùng với đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 71.234 tỷ đồng, tăng 10% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi cân đối ngân sách thực hiện 26.759 tỷ đồng, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó ước thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến cuối năm, đạt trên 105% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong công tác thu hút đầu tư, năm 2024 Bình Dương tiếp tục thu hút trên 80 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước và trên 2,2 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 73.600 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 807.000 tỷ đồng và 4.400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 42,4 tỷ đô la Mỹ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 162 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023…
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, một trong những việc quan trọng được hoàn thành trong năm 2024 là công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây được coi là xương sống, định hướng cho Bình Dương phát triển trong thời gain tới. Trong đó, hiện nay các ngành, các cấp đang tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện Quy hoạch cũng như tiếp tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 13, Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một – Chơn Thành,… Trong năm đã khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2 kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Khắc phục tồn tại để về đích trong năm 2025
Tại Hội nghị, ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, năm 2024, bên cạnh những thành quả tích cực đã đạt được vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục và hoàn thiện.
Cụ thể, theo ông Võ Anh Tuấn, những khó khăn, tồn tại trong năm 2024 mà tỉnh Bình Dương đang gặp phải đó là: Tổng sản phẩm trong tỉnh và GRDP bình quân đầu người tăng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác thu hút đầu tư một số ngành công nghệ cao chưa nhiều. Hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn; Tiến độ một số công trình, dự án giao thông còn chậm; Công tác thẩm định giá đất, phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính, đấu giá đất phát sinh các khó khăn…
Cũng theo ông Võ anh Tuấn, trong năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp để khắc phục các vướng mắc, tồn tại…
Năm 2025, Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Năm 2025, Bình Dương xác định mục tiêu, hoàn thành các Nghị quyết, chương trình hành động của Đại hội Đảng bộ tỉnh và kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên năng lực nội sinh, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế. Tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, phát triển đô thị - dịch vụ bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, và tăng cường quốc phòng - an ninh.
Trong 36 chỉ tiêu chủ yếu, Bình Dương xác định, phấn đấu GRDP tăng từ 10% trở lên so với năm 2024. Thu nhập bình quân đầu người 195 triệu đồng. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế, công nghiệp (63,81%) - dịch vụ (26,34%) - nông nghiệp (2,66%) - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (7,19%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9 – 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 9 - 10%...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Dương đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2025. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bảo đảm ổn định các cân đối lớn. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai Quy hoạch tỉnh và phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ…
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 39 khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nhận định, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, do đó cả hệ thống chính trị phải tập trung thực hiện 03 đột phá, 2 trọng tâm để “về đích”. Đó là đột phá về đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng; đột phá về huy động mọi nguồn lực; đột phá về khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Và 2 trọng tâm: Giữ vững quốc phòng an ninh, chăm lo tốt hơn cho an sinh xã hội; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của tỉnh và Đại hội XIV của Đảng; tổng kết Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương.
Công Danh