Những nỗ lực của Cục Công nghiệp và Bộ Công Thương đã góp phần quan trọng để sản xuất công nghiệp năm 2024 phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023
Quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và không ngừng tăng trưởng
Sau năm 2023 đầy khó khăn với mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây của ngành công nghiệp, sản xuất trong nước tiếp tục gặp nhiều thách thức lớn cả trong và ngoài nước trong năm 2024. Việc kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng thấp gây ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, cùng với sức mua trong nước phục hồi chậm do ảnh hưởng bão lũ, thiên tai, đặc biệt từ cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Cục Công nghiệp đã chủ động thực hiện tốt công tác điều hành, tham mưu, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp, góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu của ngành Công Thương trong năm 2024.
Những nỗ lực của Cục Công nghiệp và Bộ Công Thương đã góp phần quan trọng để sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023. Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và không ngừng tăng trưởng, với chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay và dự kiến cả năm 2024 sẽ vượt mức đề ra.
Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, công nghiệp chế biến, chế tạo trở lại vai trò động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, trong 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 1,0%. Các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế tiếp tục phát triển (luyện kim, sắt thép, điện – điện tử; dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy...), tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Triển khai các công tác bảo đảm thực hiện các mục tiêu năm 2025
Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả 3 công tác sau để góp phần, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2025 của ngành Công Thương:
Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công Thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Thứ hai, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chung về phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên để chế hóa các chủ trương mới của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đồng thời khẩn trương tham mưu để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí, ô tô, thép… nhằm tận dụng cơ hội thị trường rất lớn từ các ngành năng lượng và giao thông trong thời gian tới.
Khẩn trương đề xuất ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn mới (2025 – 2035) để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp nội địa đáp ứng các yêu cầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đón đầu các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài mới .
Tham mưu trình Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 111/2015/NĐ-CP sửa đổi.
Tham mưu trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, trong đó quy định điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm theo Luật Đầu tư nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Tiếp tục giải trình để Chính phủ thông qua Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Triển khai xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Tiến Thành