Bình Dương: Hơn 1.000 ca tay chân miệng, cảnh báo lây lan nhanh ở trẻ em

Bình Dương: Hơn 1.000 ca tay chân miệng, cảnh báo lây lan nhanh ở trẻ em
5 giờ trướcBài gốc
Ngày 16/5, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tỉnh Bình Dương (TTKSBT) cho biết, đơn vị này đã có thông báo gửi cơ quan y tế trên địa bàn về việc tăng cường phòng chống các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh tay chân miệng.
Theo báo cáo của TTKSBT, đến hết tháng 4/2025, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 1.091 ca mắc (tăng 1.9 lần so với cùng kỳ năm 2024 (582ca). Tuy không ghi nhận ca tử vong, nhưng bệnh tay chân miệng ở các địa phương của Bình Dương ghi nhận con số cao.
Theo thông kê, tại Tp.Thuận An 302 ca; Tp.Tân Uyên 216 ca; Tp.Thủ Dầu Một 200 ca; thị xã Bến Cát 138 ca; Tp.Dĩ An 125 ca; huyện Bắc Tân Uyên 39 ca; huyện Dầu Tiếng 37 са; huyện Bàu Bàng 20 ca; huyện Phú Giáo 14 ca.
Khuyến cáo của TTKSBT Bình Dương, người dân cần chủ động phòng tránh cho bản thân, đặc biệt là trẻ nhỏ đối với các bệnh truyền nhiễm. Bệnh Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút đường ruột gây ra, rất dễ lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây nhiễm, đặc biệt là ở trẻ em, vì vậy ngành y tế khuyến cáo người dân phòng bệnh.
Với trẻ nhỏ, sẽ có triệu chứng phát ban, phỏng nước ở lòng bàn tay, chân, mông… có thể sốt nhẹ từ 37,5-38 độ C.
Dấu hiệu của bệnh trở nặng: trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ C liên tục từ 2 ngày trở lên, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả, trẻ giật mình khi ngủ, yếu tay - chân, mạch nhanh ... Phụ huynh cần theo dõi, nhận biết sớm được tình trạng bệnh của trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị, giúp hạn chế các biến chứng nặng và nguy cơ tử vong.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ CKII Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết "Với bệnh tay chân miệng hiện nay đã có nghiên cứu vắc-xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Để phòng tránh bệnh, người dân cần lưu ý về vệ sinh cá nhân, môi trường xung quanh, nơi đông người cần đeo khẩu trang và đến ngay các cơ sở y tế nếu phát hiện bản thân hoặc người trong gia đình có các triệu chứng như sốt cao, chân tay phát ban nổi bọng nước… để kịp thời kiểm tra điều trị".
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, thời gian qua ngành y tế tỉnh này cũng luôn tập trung xử lý, tuyên truyền đến người dân về công tác phòng bệnh truyền nhiễm…
Người dân cần thực hiện nhiều biện pháp để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Đến ngay các cơ sở y tế kiểm tra nếu phát hiện sức khỏe của bản thân và người nhà có dấu hiệu bất thường.
Ngành Y tế Bình Dương khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau để phòng, chống bệnh tay chân miệng: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn, vật dụng ăn uống, đồ chơi khi chưa được khử trùng.
Ngoài ra, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay cầm nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bên cạnh đó, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của người bệnh phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Cha mẹ cần tiêm chủng ngay cho trẻ khi vắc-xin được triển khai tiêm. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/binh-duong-hon-1000-ca-tay-chan-mieng-canh-bao-lay-lan-nhanh-o-tre-em-204250516101039744.htm