Bình Dương: Sản xuất kinh doanh năm 2024 dự kiến tăng từ 15-20%

Bình Dương: Sản xuất kinh doanh năm 2024 dự kiến tăng từ 15-20%
2 giờ trướcBài gốc
Ngày 4/10, tại tỉnh Bình Dương, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2024 với gần 100 đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của hội nghị là lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Báo cáo tại hội nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết trong 9 tháng năm 2024, kinh tế của tỉnh đã chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2023.
Các khu công nghiệp tại Bình Dương cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng, với tổng vốn đầu tư xây dựng lên tới 4.278 tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ.
Về xuất khẩu, Bình Dương ghi nhận kim ngạch đạt 25,623 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm trước; trong đó, riêng xuất khẩu từ các khu công nghiệp đạt 18,2 tỷ USD, chiếm tới 71,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhập khẩu đạt 18,201 tỷ USD, tăng 13,4%, giúp tỉnh duy trì thặng dư thương mại ở mức 7,4 tỷ USD.
Trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh trong 9 tháng đạt 255.099 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã xử lý 414 vụ vi phạm về gian lận thương mại, đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho thị trường.
Sản xuất kinh doanh trong năm 2024 dự kiến tăng trưởng từ 15-20% so với năm 2023, dù tăng trưởng nhưng các doanh nghiệp tại Bình Dương cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Các đơn hàng xuất khẩu bị giảm giá từ 10-25%, đồng thời yêu cầu khắt khe về giảm phát thải carbon và mục tiêu "Net Zero" trong chuỗi cung ứng khiến chi phí sản xuất tăng cao.
Không chỉ vậy, thời gian đặt hàng từ khách hàng quốc tế ngắn hơn, buộc các doanh nghiệp phải tăng cường tăng ca để kịp tiến độ, dẫn đến việc chi phí sản xuất leo thang.
Tình trạng tồn kho hàng hóa cũng trở thành vấn đề nghiêm trọng, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền và không thể thanh toán các khoản vay đúng hạn.
Một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp tại Bình Dương đang phải đối mặt là việc tiếp cận nguồn vốn vay. Do doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm so với năm 2022, cùng với sự giảm giá trị của tài sản đảm bảo như bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc vay vốn.
Hầu hết các ngân hàng hiện nay yêu cầu tài sản đảm bảo cho các khoản vay, và từ chối cho vay tín chấp theo dự án hoặc hợp đồng xuất khẩu.
Tại hội nghị, nhiều hiệp hội ngành hàng đã đưa ra những kiến nghị cụ thể. Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ và gia hạn thời gian thanh toán các khoản vay, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để duy trì hoạt động và ổn định sản xuất.
Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị cải thiện quy định và hoạt động phòng cháy chữa cháy sao cho phù hợp và thực tế hơn.
Hiệp hội Dệt may đề nghị các chính sách giảm lãi suất cho các khoản vay trung hạn và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, hiệp hội này cũng đề xuất miễn giảm các mức phạt liên quan đến báo cáo hoàn thành đánh giá tác động môi trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung hoàn thành giấy phép môi trường theo quy định mới.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp. Từ khi thành lập đến nay, Ban chỉ đạo đã tổ chức 19 phiên họp và giải quyết được 130/139 trường hợp vướng mắc, liên quan đến các lĩnh vực đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.
Ngoài ra, các cơ quan ban ngành của tỉnh cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương đã đề xuất các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ và giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị miễn giảm phạt cho các doanh nghiệp chưa có báo cáo hoàn thành đánh giá tác động môi trường, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung hoàn thiện giấy phép môi trường.
Cục Thuế tỉnh Bình Dương cam kết đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hoàn thuế VAT và thuế nhập khẩu, giúp giảm ứ đọng vốn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, phát triển sản phẩm OCOP và hỗ trợ chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ông Lợi nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo tuân thủ pháp luật nhưng vẫn linh hoạt trong thực tế.
Tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng cần có những hướng dẫn phù hợp để doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Những nỗ lực của tỉnh trong việc duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện thủ tục hành chính và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sẽ là nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/binh-duong-san-xuat-kinh-doanh-nam-2024-du-kien-tang-tu-15-20-post981192.vnp