Xuất khẩu cao su sang Malaysia tăng trưởng ba con số

Xuất khẩu cao su sang Malaysia tăng trưởng ba con số
2 giờ trướcBài gốc
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9 đạt khoảng 250 nghìn tấn, trị giá 424 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và tăng 23% về trị giá so với tháng 8/2024, tăng 29,2% về lượng và tăng 68,4% về trị giá so với tháng 9/2023.
Giá bình quân xuất khẩu cao su ở mức 1.697 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 8 và tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su cả Việt Nam đạt khoảng 1,37 triệu tấn, trị giá 2,18 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về chủng loại, tính đến hết tháng 8, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 54,81% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 615,06 nghìn tấn, trị giá 964,92 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,66% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 612,98 nghìn tấn, trị giá 958,82 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
9 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su cả Việt Nam đạt khoảng 1,37 triệu tấn, trị giá 2,18 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng. Ảnh: TH
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu một số chủng loại cao su tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023 như: Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR CV50, RSS1, cao su tái sinh, SVR 5, RSS4, Skim block…
Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023, gồm: SVR 20, cao su tổng hợp, cao su dạng Crếp…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 78% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, giảm 20% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm thì các thị trường khác lại tăng rất mạnh. Trong đó, thị trường Malaysia tăng trưởng cả về lượng lẫn kim ngạch.
Cụ thể, trong tháng 8, xuất khẩu cao su sang Malaysia tăng 578% về lượng và tăng 550% về kim ngạch. Tính từ đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 11,6 nghìn tấn cao su sang thị trường này, trị giá 16 triệu USD, tăng 178% về lượng và 194% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.374 USD/tấn, tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Trong khi ngành cao su Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Ngược lại, Malaysia tập trung vào sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ cao su thay vì cao su thô và bán thành phẩm.
Hiện nay, Malaysia có hơn hơn 190 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao su dùng trong lĩnh vực y tế với các sản phẩm rất đa dạng như găng tay cao su, túi thở, ống bọc y tế… Các sản phẩm cao su y tế của Malaysia có chất lượng cao và được xuất khẩu tới hơn 130 quốc gia.
Điểm sáng của xuất khẩu cao su trong năm nay là giá tăng cao so với năm ngoái, qua đó mở ra triển vọng tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu cho ngành cao su Việt Nam.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), tuy sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm đáng kể nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng là nhờ giá xuất khẩu cao su thời gian qua luôn ở mức cao.
Thị trường cao su toàn cầu dự báo thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay, cao hơn mức 1,12 triệu tấn mà hiệp hội này dự báo vào tháng 5/2024. Tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là tình trạng thu hẹp sản xuất tại các quốc gia xuất khẩu chính, trong đó có Việt Nam, khiến giá cao su thế giới và nội địa tăng từ đầu năm đến nay.
Ngọc Ngân
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/xuat-khau-cao-su-sang-malaysia-tang-truong-ba-con-so-350252.html