Bình Thuận: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Hàm Thuận

Bình Thuận: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Hàm Thuận
một ngày trướcBài gốc
Đến tham dự có đồng chí Đặng Hồng Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận; nguyên lãnh đạo tỉnh, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể; các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang…
Theo lịch sử, trong kháng chiến, Hàm Thuận là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa là cửa ngõ vừa là bàn đạp tiến công vào Phan Thiết, trung tâm đầu não của địch ở Bình Thuận; luôn là vùng đất phải hứng chịu biết bao cuộc đánh phá vô cùng ác liệt và khủng bố dã man của kẻ thù.
Lễ kỷ niệm có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tham dự.
Nhớ lại mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân ta tiến công như vũ bão, tin chiến thắng từ Tây Nguyên đến các tỉnh miền trung liên tiếp dội về, quân địch trên chiến trường miền nam lần lượt rệu rã. Tại tỉnh Bình Thuận và ngay tại Hàm Thuận, địch càng hoang mang dao động. Trước tình hình đó, Khu ủy khu 6, Tỉnh ủy Bình Thuận và Huyện ủy Hàm Thuận hạ quyết tâm mở mặt trận đường 8, giải phóng chi khu Thiện Giáo nhằm phá mắt xích chiến lược, mở toang cửa ngõ để giải phóng Hàm Thuận.
Bộ đội, thanh niên xung phong tham dự lễ kỷ niệm.
Đúng 2 giờ 45 phút rạng sáng ngày 8/4/1975, quân ta nổ súng đánh vào chi khu Thiện Giáo. Cuộc chiến rất ác liệt, đến 20 giờ ngày 8/4/1975, quân ta hoàn toàn làm chủ chi khu quận lỵ Thiện Giáo, giải phóng Ma Lâm. Trên đà thắng lợi, lực lượng ta liên tiếp tấn công giải phóng hoàn toàn Hàm Thuận, góp phần giải phóng Bình Thuận ngày 19/4/1975, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua của cuộc chiến tranh khốc liệt, càng tự hào về vùng đất kiên trung và ý chí quật cường của quân và dân Hàm Thuận. Nhiều tên đất, tên làng đã trở thành bất tử như: “Khu Lê bất khuất, Tam Giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng”; đều gợi nhớ về những chiến công oanh liệt và rất tự hào cùng đau thương mất mát to lớn với trên 6.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh, gần 5.000 người bị tù đày, tra tấn, thương tật, hàng nghìn người chịu di chứng chất độc da cam.
Nhiều đại biểu từ các xã, thị trấn về tham dự.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho huyện Hàm Thuận vào năm 1978; xã Hàm Liêm được phong tặng vào năm 1972. Có 799 bà mẹ được tôn vinh danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chiếm trên 50% của tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc, cho biết, nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển với gần 42 năm sau chia tách huyện và 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, huyện Hàm Thuận Bắc vượt qua bao khó khăn chồng chất, từ nghèo khó đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu rất quan trọng, làm chuyển biến sâu sắc các mặt của đời sống xã hội huyện nhà, kinh tế phát triển khá với tốc độ tăng bình quân hằng năm 9,5%, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Hội nông dân tham dự lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Hàm Thuận.
Huyện thu ngân sách nhiều năm liền đứng vị trí thứ 2 các địa phương trong tỉnh, sau thành phố Phan Thiết. Hiện nay, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt chuẩn nâng cao và 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Bên cạnh lúa vẫn là cây trồng chính, đã hình thành các vùng cây ăn quả tập trung như thanh long, sầu riêng… hơn 11.000ha; vùng cây công nghiệp như cao su, điều, cà-phê hơn 2.000ha. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, hiện chiếm gần 35% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Nhiều học sinh, sinh viên tham dự lễ kỷ niệm.
Hạ tầng giao thông, mạng lưới điện, nước sinh hoạt, sóng phát thanh, truyền hình và internet phủ khắp các địa bàn. Cơ sở trường học, bệnh viện, trạm y tế được kiên cố hóa 100% và ngày càng khang trang. Các thiết chế văn hóa như nhà truyền thống, bia đài liệt sĩ, nhà văn hóa từ huyện đến cấp xã, thôn được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch cho hay, huyện vẫn chưa tạo được sự bứt phá để tăng tốc phát triển. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch chưa mạnh. Năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong nông nghiệp còn thấp. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng nhất là giao thông kết nối giữa các địa bàn trong huyện chưa bảo đảm yêu cầu phát triển.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường đoàn kết, không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh, huyện, nhân dân tiếp tục tăng cường đoàn kết, không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh, góp phần với tỉnh, cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, hùng cường.
THANH HẢI
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/binh-thuan-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-ham-thuan-post870446.html