Bình Thuận: Ngư dân trúng đậm tôm hùm con

Bình Thuận: Ngư dân trúng đậm tôm hùm con
19 giờ trướcBài gốc
Mùa này, dọc tuyến bờ biển từ Gành Rái (xã Chí Công) đến thị trấn Phan Rí Cửa qua xã Hòa Phú, hay dọc ven biển từ Phước Thể, Liên Hương đến địa phận xã Vĩnh Tân, cách bờ chừng vài chục mét là thấy những phao xốp, chai nhựa nổi lềnh bềnh đánh dấu khu vực thả đùm của ngư dân. Những ngày qua, trời trở lạnh, gió lớn, nhưng những ngư dân hành nghề khai thác tôm hùm giống ở huyện Tuy Phong vẫn hăng hái bám biển, bởi mỗi đêm họ thu về từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Từ tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, trên các vùng biển ven bờ nhiều ngư dân đã có mặt. Hàng chục thúng, ghe hoạt động dọc bờ biển kiểm tra từng đùn lưới, tháo đùm khỏi sợi dây chung rồi giũ nhẹ. Nếu trước kia kiểm tra 4 - 5 đùm mới có 1 - 2 tôm con rơi ra, thì nay, giũ đùm nào cũng đều có tôm làm ngư dân say mê, làm tới xế chiều để hái “lộc biển”. Với kinh nghiệm của các ngư dân, để bắt được nhiều tôm hùm con, ngoài việc chọn được vị trí của tôm mẹ đang trú ngụ chờ sinh sản, ngư dân phải chọn được hướng gió và định hướng được con nước để mành lưới giăng đúng hướng di chuyển, đưa tôm con vào “bẫy”.
Đi dọc ven biển sẽ thấy những phao xốp, chai nhựa nổi lềnh bềnh đánh dấu khu vực thả đùm của ngư dân
Anh Nguyễn Văn Tài – xã Vĩnh Tân làm nghề giũ tôm chia sẻ: “Nghề giũ tôm hùm con chỉ diễn ra từ khoảng tháng 11 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau, thời điểm gió thổi mạnh. Năm nay, tôm hùm con về dày lắm, bà con ai cũng trúng đậm, có tiền đón tết. Mỗi ngày, có người bắt được ít nhất là vài chục con, nhiều là vài trăm con, có ghe giũ đùm được cả ngàn con, thu về gần 100 triệu đồng, trong đó nhiều nhất là tôm hùm xanh có giá 35.000 – 40.000 đồng/con, tôm hùm bông (tôm sao) có giá cao hơn từ 100.000 – 120.000 đồng/con, tôm huê có giá hơn 200.000 đồng/con. Liên tiếp 10 ngày nay, thúng ghe nào đi giũ tôm đều trúng đậm, mỗi ngư dân kiếm ít nhất vài triệu đồng/ngày, vui như hội”.
Ngư dân đang giũ tôm.
Những ngày qua, đi đến đâu đều nghe người dân bàn tán xôn xao vì trúng lộc biển. Ngư dân Lê Văn Hải (xã Chí Công) cũng không giấu được niềm vui cho biết: “Ngày thường tôi làm nghề câu mực ở vùng biển khơi, đến mùa biển động, tôi chuyển qua làm mành tôm. Năm nay, tôm nở nhiều lắm, chủ yếu là tôm xanh, ngư dân rất vui vì trúng "lộc biển". Tôi đi được 5 bữa biển, thu được hơn 1.000 con tôm xanh, 100 con tôm sao, bán được hơn 50 triệu đồng”.
Đây là năm đầu tiên người làm nghề khai thác tôm hùm giống được mùa đến vậy.
Một thương lái thu mua tôm hùm con ở thị trấn Liên Hương cho biết thêm: “Mỗi ngày tôi thu về vài ngàn con, nhiều nhất là hơn 10.000 con, chưa năm nào lượng tôm hùm giống xuất hiện dày đến vậy. Đây là năm đầu tiên người làm nghề khai thác tôm hùm giống được mùa đến vậy. Tôm sau khi thu mua sẽ bán lại cho các chủ nuôi tôm hùm ở Phú Yên, Khánh Hòa. Thời điểm này, người nuôi tôm hùm cũng bắt đầu thả nuôi vụ mới nên nhu cầu con giống tăng. Những năm qua, nhu cầu về giống tôm hùm con ở 2 tỉnh này khan hiếm, cầu không đủ cung. Các chủ nuôi tôm thương phẩm đặt hàng liên tục, bao nhiêu cũng thu mua nhưng nguồn giống cung cấp cho người nuôi khai thác từ môi trường tự nhiên chỉ đáp ứng khoảng 20 – 30% nhu cầu, số lượng giống còn lại được nhập khẩu từ các nước lân cận. Riêng tôm hùm xanh phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu từ các nước. Năm nay được mùa, chúng tôi phải túc trực trên bờ để gom mua tôm nhí với số lượng lớn”.
Mỗi ngư dân kiếm ít nhất vài triệu đồng/ngày, vui như hội.
Không riêng gì vùng biển Tuy Phong trúng mùa tôm hùm con, những ngư dân làm nghề giũ đùm ven bờ ở Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam… đều chung niềm vui ấy. Ngư dân Nguyễn Văn Minh – thị xã La Gi cho biết: “Năm nay đời sống ngư dân khó khăn, mùa cá nam cũng không bội thu như mọi khi, may mắn nhờ tháng cuối năm, nghề khai thác tôm hùm giống mang lại thu nhập cao cho ngư dân các làng chài ven biển, giúp chúng tôi có thêm tiền để mua sắm tết”.
Theo ngành chức năng, nghề đánh bắt tôm nhí có hai hình thức là đánh lưới và lặn. Thế nhưng, việc lặn bắt tôm nhí đòi hỏi người săn phải dày dạn kinh nghiệm. Việc đánh bắt tôm nhí khó hơn nhiều lần so với khai thác các loại hải sản khác. Tôm hùm sống và sinh sản trong các rạn san hô dưới đáy biển, đến mùa biển động, tôm hùm con sẽ theo sóng biển nổi lên giữa dòng nước, trên mặt biển nên mùa biển động khai thác mới có tôm. Hiện, ở Việt Nam vẫn chưa có công nghệ sinh sản nhân tạo tôm hùm, chủ yếu là khai thác tôm giống tự nhiên để nuôi thành tôm thương phẩm. Do đó, ngư dân khai thác tôm hùm giống cần phải bảo vệ, không khai thác tôm hùm bố mẹ để duy trì nguồn lợi.
MINH VÂN
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-ngu-dan-trung-dam-tom-hum-con-126860.html