3 thế hệ cha con giữ và xây dựng đảo
Anh Nguyễn Quang Thánh (SN 1974, quê ở Kim Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị) hiện là Huyện ủy viên, Phó Ban Xây dựng Đảng huyện đảo Cồn Cỏ, đã có gần 23 năm sống trên đảo. Ngày 9/3/2002, theo lời kêu gọi, anh cùng 40 thanh niên xung phong (TNXP) ra xây dựng Cồn Cỏ thành “Đảo Thanh niên”, đánh dấu bước khởi đầu của quá trình dân sự hóa đảo Cồn Cỏ, trở thành những công dân đầu tiên lập nghiệp trên đảo. “Lúc đó, Cồn Cỏ còn hoang sơ lắm, chưa kể đoạn đường di chuyển từ đất liền ra đảo cũng rất gian nan khi mà tàu bè còn thô sơ, nhỏ bé. Đoàn ra phải ở nhờ lực lượng bộ đội, đến 2 tháng sau mới bắt đầu mang vật liệu từ đất liền ra, đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng lán trại, phục vụ cuộc sống”, anh Thánh nhớ lại những ngày đầu khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Khó khăn lớn nhất là không có nước sinh hoạt. Mùa đông mưa gió bão bùng, mùa hè nắng nóng, điện thì không có, cuộc sống treo nơi đầu ngọn sóng. Thế nhưng, vượt lên tất cả, anh đã gắn bó với nơi đây đã 23 năm.
Cột cờ khẳng định chủ quyền trên đảo Cồn Cỏ.
Câu chuyện anh Thánh ra đảo đặc biệt hơn bất kỳ người nào khác trong đoàn, vì anh đang bước tiếp con đường dở dang của cha anh để lại. Cha anh - ông Nguyễn Văn Tống, dân quân tiếp tế lương thực, súng đạn trên đảo Cồn Cỏ những năm 1965-1967, là thương binh hạng 3/4. Ông Tống bị thương trong một lần ra tiếp tế cho bộ đội trên đảo thì bị pháo Mỹ bắn, ghe bị lật, mấy anh em không qua khỏi, may ông Tống bám được vào cái ván và được bộ đội trên đảo cứu.
Mang theo niềm tự hào từ người cha dân quân cảm tử năm nào, anh cùng đoàn TNXP đã bắt tay xây dựng cuộc sống từ nơi chính cha anh đã đổ xương máu để gìn giữ. Và niềm tự hào đó của anh đã truyền từ anh sang con trai. Năm 2002, khi anh ra đảo, con trai Nguyễn Quang Trung mới 3 tuổi, 2 vợ chồng gửi lại con cho ông bà nội trong đất liền. Đúng 20 năm sau, năm 2022, con trai anh lại bước tiếp chân cha ông ra đảo làm kinh tế, trở thành cán bộ Trung tâm Dịch vụ và Du lịch đảo Cồn Cỏ. Cả nhà anh, 3 thế hệ đã gắn bó với đảo, coi đảo là quê hương. Nơi đây, máu cha anh đã đổ xuống để làm thắm thêm màu xanh của cánh rừng nguyên sinh. Cha anh đã đặt nền móng quê hương cho anh. Đến đời anh bám trụ, là nền tảng cho con anh, và sau này, đến đời cháu anh cũng sẽ tiếp tục phát triển và bám trụ trên đảo.
23 năm, chàng thanh niên trẻ trung, nhiệt huyết Nguyễn Quang Thánh ngày nào giờ đã trở thành người đàn ông trung niên rắn rỏi, mang màu da của nắng gió Cồn Cỏ. Anh cũng gánh thêm trên vai mình những trọng trách, trở thành người có uy tín trên đảo. 23 mùa xuân trên đảo, thì hơn một nửa anh đón Tết ở nơi đây. Thời gian đầu, việc đón Tết trên đảo là nhiệm vụ, vì lúc đó, cha mẹ, con cái đều ở trong đất liền, tất nhiên Tết cũng mong được sum họp, đoàn tụ. Nhưng cũng có những cái Tết, anh tự nguyện ở lại trên đảo, để được đón giao thừa trên đảo, chào đón năm mới với những niềm vui và ước mơ mới trên đảo. Không phải chỉ mình anh, mà những người trong đoàn TNXP năm ấy, đều ở bám trụ lại trên đảo. Chị Nguyễn Hạnh Nhân, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện đảo Cồn Cỏ là một ví dụ điển hình. Chị mang ra đảo tuổi thanh xuân rực rỡ, cùng xây dựng kiến thiết đảo, lập gia đình với một người lính trên đảo, rồi sinh con đẻ cái. Những đứa trẻ đã thay đổi diện mạo của đảo, mang lại một sức sống mới – sức sống hướng về tương lai.
Giữ bình yên, xây tương lai
Thượng tá Trần Văn Huy – Trưởng Công an huyện đảo Cồn Cỏ đã gắn bó với đảo 5 năm nay. 40 năm phục vụ trong ngành, đã từng kinh qua hết những tháng năm tuổi trẻ nơi núi rừng Tây Nguyên - từng ôm súng đánh giáp lá cà với FULRO, đối với anh, việc đến với biển đảo lại mang những cảm xúc đặc biệt, vì được bảo vệ sự bình an nơi đầu sóng ngọn gió, che chở cho những nếp nhà bình yên trên hòn đảo ngọc yêu thương của quê hương. Những ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày phẳng lặng hay những lúc biển động nổi sóng giận giữ, cùng đồng đội tuần tra và bảo vệ sự bình yên cho người dân là niềm tự hào của người chiến sĩ Công an nhân dân. Từng con đường nhỏ trong rừng cây, từng hòn đá ven bờ biển cho đến những cây phong ba, cây bàng vuông… đều thân thuộc với anh. Bởi vậy, dù thời gian trên đảo không nhiều nhưng với Thượng tá Huy, đảo là nhà, nơi đó có người thân để anh bảo vệ, gìn giữ. Ngược lại, người dân cũng yêu thương các anh, Trên đảo, không còn khoảng cách giữa cán bộ, công an với người dân nữa, mà tất cả đều là anh em họ hàng làng xóm thân thiết, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau canh giữ biển đảo, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Thế nên, từ một đảo quân sự thành đảo hành chính gần 20 năm nay, nhưng trên đảo Cồn Cỏ chưa từng xảy ra một vụ án lớn nào. Người dân trên đảo hiền lành, thật thà chất phác. Đêm đi ngủ, thảng có quên đóng cửa, cũng chẳng có vấn đề gì xảy ra.
Những nếp nhà bình yên trên đảo Cồn Cỏ.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, là cả quá trình xây dựng mạng lưới cộng tác viên, bám làng, bám đảo của lực lượng Công an, thực hiện “4 cùng” với những người dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng đánh cá. Chiến sĩ Công an trên đảo cùng đồng lòng thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào Công an huyện đảo đồng hành với các hộ dân: mỗi đồng chí Công an giúp đỡ 1 hộ dân bằng tuyên truyền pháp luật, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, vận động nhân dân tố giác tội phạm, chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông... Thực hiện sự chỉ đạo của Công an tỉnh Quảng Trị về việc triển khai diễn đàn “Công an Quảng Trị nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thời gian qua, tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đảo Cồn Cỏ đã quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nội dung. Theo đó, nhiều cách làm gắn với thực tế trên đảo đã được vận dụng vào thực tiễn như: “Công an huyện đảo Cồn Cỏ nghe dân nói”, “Công khai số điện thoại đường dây nóng Công an huyện”...
“Từ một đảo quân sự trở thành đảo dân sự, rồi thành đảo du lịch, Cồn Cỏ đang từng ngày lột xác, không chỉ là nơi ở mà còn là địa chỉ tham quan của hàng trăm khách mỗi năm. Tuy nhiên, kéo theo sự nhộn nhịp, thì tình hình an ninh trật tự cũng vì thế mà đối mặt với nguy cơ xảy ra những vấn đề phức tạp. Nhưng, người dân trên đảo hiền hòa, yêu thương, cùng với sự quyết tâm của anh em trong đơn vị, của các lực lượng vũ trang khác trên đảo, sẽ luôn giữ cho đảo mãi thanh bình, xinh đẹp và là địa chỉ đáng tự hào của người dân Quảng Trị” - Thượng tá Huy chia sẻ.
Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung, có giá trị về địa chất cùng hệ sinh thái và cảnh quan đa dạng, có tiềm năng du lịch hết sức phong phú. Cồn Cỏ là cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ, có điểm để xác định đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ hàng không, hàng hải quốc tế. Vì vậy đảo có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Trung tuần tháng 10/2024, quân và dân đảo Cồn Cỏ đã vinh dự được đón Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương thăm, làm việc và trao quà động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trên đảo.
Hà An