Biến động giá của Bitcoin và những sự kiện kinh tế toàn cầu
Kể từ khi được giới thiệu vào năm 2009, Bitcoin đã trải qua những thăng trầm lớn, mỗi giai đoạn tăng trưởng đều gắn liền với các sự kiện quan trọng của nền kinh tế thế giới.
Giai đoạn đầu tiên, từ 2013 đến 2014, chứng kiến sự bùng nổ đầu tiên của Bitcoin khi đồng tiền kỹ thuật số này lần đầu vượt qua ngưỡng 1.000 USD. Đà tăng này chủ yếu đến từ sự gia tăng nhận thức về tiềm năng của công nghệ blockchain và tính phi tập trung của Bitcoin. Tuy nhiên, năm 2014, sự kiện sàn giao dịch Mt. Gox – chiếm hơn 70% giao dịch Bitcoin toàn cầu lúc bấy giờ – phá sản đã khiến giá Bitcoin lao dốc mạnh, đẩy thị trường vào thời kỳ "đóng băng" kéo dài nhiều năm.
Tuyên bố biến nước Mỹ thành thủ phủ tiền số của ông Donald Trump kiến đồng Bitcoin tăng giá tới 34%. (Ảnh TL)
Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lớn khi Bitcoin bùng nổ và lần đầu vượt ngưỡng 20.000 USD. Sự tăng giá này đi kèm với làn sóng ICO (phát hành tiền điện tử lần đầu) bùng nổ, thu hút dòng vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, bong bóng tài sản nhanh chóng vỡ, kéo giá Bitcoin giảm mạnh vào năm 2018, khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh thua lỗ.
Từ 2020 đến 2021, Bitcoin lại bước vào một chu kỳ tăng giá mới, lần này đạt đỉnh trên 60.000 USD. Đà tăng này phần lớn được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19, khi các chính sách kích thích kinh tế toàn cầu và lãi suất thấp khiến các nhà đầu tư tìm kiếm kênh lưu trữ giá trị thay thế. Bitcoin bắt đầu được các tổ chức lớn như Tesla, Square và các quỹ đầu tư coi như một tài sản phòng ngừa lạm phát, càng củng cố vị thế của đồng tiền này trên thị trường tài chính toàn cầu.
Bitcoin tăng giá 34% kể từ khi ông Trump đắc cử
Ngay sau khi Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024, giá Bitcoin đã chứng kiến một đợt tăng trưởng ấn tượng. Trước cuộc bầu cử, giá Bitcoin dao động quanh mức 70.000 USD. Chỉ trong vòng hai tuần sau sự kiện, giá Bitcoin đã vượt mốc 94.000 USD, tăng hơn 34%, lập đỉnh cao nhất trong lịch sử.
Sự gia tăng đột biến này phần lớn bắt nguồn từ cam kết của Donald Trump trong chiến dịch tranh cử, khi ông khẳng định sẽ đưa Mỹ trở thành "thủ phủ tiền số của thế giới." Các chính sách mà ông Trump đề xuất bao gồm việc thiết lập kho dự trữ chiến lược Bitcoin quốc gia, giảm thiểu các quy định hạn chế, và thúc đẩy việc áp dụng tiền điện tử trong thanh toán thương mại. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt so với các đời tổng thống trước.
Dưới thời các tổng thống trước như Barack Obama hay Joe Biden, tiền điện tử từng đối mặt với nhiều rào cản pháp lý, đặc biệt là các nỗ lực kiểm soát để tránh rủi ro rửa tiền và gian lận. Ngược lại, Trump định hướng một môi trường pháp lý cởi mở hơn, kích thích dòng vốn đầu tư vào Bitcoin và các tài sản số.
Sự bứt phá của Bitcoin không chỉ có ý nghĩa với thị trường tiền điện tử mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Giá Bitcoin tăng cao kéo theo sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn, từ đó thúc đẩy sự chấp nhận của tiền điện tử như một loại tài sản chính thống. Điều này tạo thêm áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc kiểm soát cung tiền và ổn định tỷ giá hối đoái.
Ngô Vũ