Bitcoin đã chạm sát mốc 100.000 USD vào thứ Năm khi giới đầu tư đặt kỳ vọng chính quyền Trump 2.0 sẽ tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn với tiền mã hóa.
Vào thời điểm chiều muộn theo giờ Mỹ, đồng tiền điện tử có giá trị nhất thế giới được giao dịch trong khoảng từ 98.000 USD đến 99.000 USD, sau khi đã chạm mốc cao nhất mọi thời đại là 99.073 USD.
Kể từ đầu năm đến nay, giá Bitcoin đã chứng kiến nhiều biến động. Đáng chú ý nhất là khi đồng tiền này đã tăng vọt 40% chỉ trong hai tuần kể từ lúc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và hàng loạt nhà lập pháp đảng Cộng hòa được bổ nhiệm vào Quốc hội.
Trong suốt thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần công khai ủng hộ tài sản kỹ thuật số, cam kết biến Mỹ thành thủ phủ tiền điện tử của thế giới và xây dựng một kho dự trữ quốc gia bằng Bitcoin.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tiền mã hóa cũng hy vọng hoạt động giám sát khắt khe dưới thời Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler sẽ chấm dứt, bởi ông Trump từng tuyên bố sẽ chọn người khác thay thế ông Gensler.
Vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho ra mắt một doanh nghiệp tiền mã hóa mới mang tên World Liberty Financial. Dù thông tin chi tiết về doanh nghiệp này vẫn còn rất ít, nhưng các nhà đầu tư vẫn coi đây là tín hiệu tích cực. Tỷ phú Elon Musk, đồng minh lớn của ông Trump, cũng là người ủng hộ mạnh mẽ tiền điện tử.
Hơn 16 năm kể từ khi được tạo ra, Bitcoin dường như đang tiến gần hơn đến việc được chấp nhận chính thức trên toàn cầu. “Dù mua Bitcoin ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, nhà đầu tư sẽ đều đang có lãi. Nhưng những người mua sớm, vào thời điểm còn nhiều rào cản và áp lực trên khắp thế giới, mới là người chiến thắng thực sự. Không phải vì họ giàu có, mà vì họ đã đúng”, bà Alicia Kao, giám đốc điều hành sàn giao dịch tiền mã hóa KuCoin nhấn mạnh.
Ông Joe McCann, CEO và nhà sáng lập quỹ đầu cơ tài sản kỹ thuật số Asymmetric tin rằng mốc 100K chỉ còn là vấn đề thời gian khi mà thị trường đang có lực mua bền bỉ.
“Khi phá vỡ mốc cao mới, tiền điện tử sẽ thu hút được rất nhiều vốn. Nó giống như vàng vào những năm 1970. Tôi cho rằng mốc cao này đang ở giai đoạn khám phá và không ai biết nó còn có thể tăng đến mức nào”, ông John LaForge, trưởng bộ phận chiến lược tài sản thực tại Wells Fargo Investment Institute phân tích.
Tuy nhiên, tiền điện tử vẫn phải chịu nhiều chỉ trích, phê bình nặng nề vì mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ, với các hoạt động khai thác bị giám sát chặt chẽ về tác động lên lưới điện và lượng khí thải nhà kính.
Tội phạm liên quan đến tiền mã hóa cũng vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Phân tích của công ty nghiên cứu Chainalysis cho thấy, vào năm ngoái, ít nhất 24,2 tỷ USD giá trị tiền điện tử đã được chuyển đến các ví bất hợp pháp, bao gồm các địa chỉ bị xác định là chịu lệnh trừng phạt quốc tế hoặc liên quan đến tài trợ khủng bố và lừa đảo.
An Duy