Bloomberg: Ông Trump có thể không buộc Ukraine đàm phán sớm với Nga

Bloomberg: Ông Trump có thể không buộc Ukraine đàm phán sớm với Nga
5 giờ trướcBài gốc
Ông Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bloomberg, sự lạc quan này xuất hiện sau một loạt các cuộc trao đổi riêng với các thành viên trong đội ngũ của ông Trump. Theo giới chức nắm rõ nội dung cuộc đàm phán kín, các đối tác xuyên Đại Tây Dương đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Họ cho rằng những cuộc trao đổi này mở ra hy vọng rằng chính quyền mới của ông Trump có thể giúp Ukraine vốn đang kiệt quệ trở lại vị thế mạnh mẽ trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Tuy nhiên, những người đã tham gia các cuộc thảo luận cũng cảnh báo cần phải thận trọng, bởi ông Trump từng thay đổi kế hoạch vào phút chót, điều này tạo nên sự không chắc chắn.
Các quan chức của ông Trump đã tiếp thu hai quan điểm quan trọng từ các đồng minh châu Âu. Thứ nhất, việc rút quân khỏi Kiev có thể dẫn đến hậu quả tương tự như cuộc rút quân hỗn loạn của Tổng thống Joe Biden khỏi Afghanistan. Thứ hai, nếu ông Trump quyết định rút viện trợ cho Kiev, điều này có thể gây ra chỉ trích không kém phần gay gắt.
Hiện tại, kế hoạch của ông Trump đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa rõ ràng, dù chỉ còn một tuần nữa sẽ diễn ra lễ nhậm chức. Dù nhóm chiến lược của ông Trump đã đưa ra một số đề xuất, các quan chức châu Âu và Ukraine nhận định rằng chưa có chiến lược nhất quán nào sẽ được công bố sau lễ nhậm chức vào ngày 20/1.
Dẫu vậy, các cuộc thảo luận này đã đem đến một chút lạc quan dè dặt ở châu Âu. Các quan chức đã từng chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ, nếu ông Trump giữ lời hứa kết thúc nhanh chóng cuộc xung đột và có thể đạt được một thỏa thuận có lợi cho Nga.
Châu Âu ngày càng tin rằng thỏa thuận chấm dứt xung đột có thể được thực hiện trong tương lai gần. Họ kỳ vọng rằng việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev sẽ khiến Nga chịu thêm tổn thất về kinh tế và quân sự, mở đường cho các cuộc đàm phán với Ukraine.
Một số quan chức nhận thấy, bất chấp những lời lẽ chỉ trích chiến dịch của Ukraine, đội ngũ của ông Trump vẫn hiểu rõ thất bại trong cuộc chiến có thể gây ra hậu quả lớn, tương tự như cuộc rút quân khỏi Afghanistan. Khi đưa ra giải pháp, có sự đồng thuận rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần bao gồm đảm bảo an ninh cho Kiev.
Ông Keith Kellogg, người được ông Trump chọn làm đặc phái viên về vấn đề Ukraine, đã đề xuất duy trì viện trợ cho Ukraine để nước này có thể ngồi vào bàn đàm phán trong một vị thế mạnh mẽ. Ông cũng phác thảo một thỏa thuận tiềm năng, trong đó đề xuất đóng băng tiền tuyến hiện tại, tạo khu vực phi quân sự và trì hoãn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine “trong thời gian dài”.
Theo các quan chức châu Âu, vấn đề về tư cách thành viên NATO của Ukraine, một trong những yêu cầu chính của Nga, khó có khả năng được ông Trump chấp thuận. Tuy nhiên, châu Âu vẫn muốn giữ vấn đề này trên bàn đàm phán.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán giải quyết xung đột Ukraine dựa trên các điều kiện mà nước này đưa ra. Các yêu cầu của Nga bao gồm việc quân đội Ukraine rút khỏi Donbass và Novorossiya, Kiev từ chối gia nhập NATO, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây và đảm bảo Ukraine sẽ trở thành một quốc gia trung lập và phi hạt nhân.
Hải Vân/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/bloomberg-ong-trump-co-the-khong-buoc-ukraine-dam-phan-som-voi-nga-20250115110549233.htm