Xã Ngũ Chỉ Sơn không phải sáp nhập do các yếu tố đặc thù.
Xã Ngũ Chỉ Sơn của thị xã Sa Pa là 1 trong 2 đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh không phải sáp nhập lần này. Lý do trong đề án của thị xã Sa Pa đưa ra dựa trên yếu tố đặc thù về vị trí địa lý: xã nằm biệt lập, chỉ có Tỉnh lộ 155 để kết nối giao thông với các địa phương khác; khoảng cách từ xã Ngũ Chỉ Sơn đến các đơn vị hành chính giáp ranh xa, giao thông đi lại khó khăn.
Dù vậy, xã Ngũ Chỉ Sơn lại có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, homestay, trekking và là nơi để kết nối điểm du lịch xã Y Tý (huyện Bát Xát), phân khu của Khu du lịch quốc gia Sa Pa.
Quang cảnh thôn Can Hồ A, xã Ngũ Chỉ Sơn.
Trước đó, để thành lập thị xã Sa Pa, địa phương đã thực hiện sáp nhập xã Tả Giàng Phìn và xã Bản Khoang thành xã Ngũ Chỉ Sơn hiện nay.
Đồng chí Sùng Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết: Sau khi thành lập xã đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương có bước phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ gần 42% (năm 2021) xuống còn 19,8% (năm 2024). Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu khác vượt gấp nhiều lần so với năm đầu nhiệm kỳ, nổi bật như: diện tích rau đậu khoảng 200 ha, tăng hơn 85 ha; cây dược liệu 95 ha, tăng 62 ha; cây ăn quả 139 ha, tăng 80 ha; hoa cắt cành hơn 55 ha, tăng 10 ha. Nhất là sản lượng thủy sản đạt 300 tấn, tăng 237 tấn so với năm 2020, trở thành địa phương có sản lượng cá nước lạnh gần như lớn nhất của thị xã Sa Pa.
Xã Ngũ Chỉ Sơn là địa phương có sản lượng cá nước lạnh gần như lớn nhất của thị xã Sa Pa hiện nay.
Với những thế mạnh vốn có, trong những năm tới, xã tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, du lịch, trong đó có tuyến du lịch khám phá đỉnh núi Ngũ Chỉ Sơn hiện đang được sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Thời gian tới, số lượng cán bộ, công chức của xã sẽ được điều chỉnh tăng lên theo quy định chung, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành rà soát lại chất lượng và thực hiện việc tuyên truyền, quán triệt chủ trương để cán bộ, công chức biết và sẵn sàng tâm lý khi sắp xếp.
Theo đề án của thị xã Sa Pa, phường Sa Pa mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập nhiều đơn vị hành chính nhất, gồm 6 phường là: Sa Pa, Phan Si Păng, Sa Pả, Hàm Rồng, Ô Quý Hồ, Cầu Mây.
Cán bộ, công chức phường Sa Pa vững vàng tư tưởng trước chủ trương sáp nhập phường hiện nay.
Đồng chí Đỗ Thu Giang, Bí thư Đảng ủy phường Sa Pa cho biết công tác tuyên truyền về chủ trương, nội dung sáp nhập phường được địa phương triển khai kịp thời, rộng rãi tới toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân qua các hình thức: cuộc họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy; hội nghị tuyên vận hằng tháng; các cuộc họp thường kỳ của UBND phường; các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị; trên fanpage của phường và nhóm zalo chi bộ, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức hội viên… Theo đánh giá của đồng chí, tư tưởng cán bộ, đảng viên và người dân tin tưởng vào chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của thị xã thể hiện qua việc lấy ý kiến về sáp nhập phường, có 99,26% đại diện hộ gia đình nhất trí. Cán bộ, đảng viên và người dân đều kỳ vọng việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp giảm tầng nấc trung gian, vực dậy những địa phương còn yếu khi sáp nhập với các địa phương mạnh hơn.
Việc sắp xếp cán bộ, công chức của các xã, phường khi sáp nhập phải công tâm, khách quan, có tiêu chí rõ ràng nhằm tạo dựng bộ máy mới đảm bảo chất lượng, tránh trường hợp sáp nhập cơ học, không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Mặt khác, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức phải dựa trên cơ sở các chuyên ngành đào tạo, năng lực thực sự và tùy vào định hướng phát triển của từng xã, phường để lựa chọn cán bộ cốt cán hợp lý. Đơn cử, đối với xã, phường mạnh về phát triển nông - lâm nghiệp thì phải ưu tiên đưa lãnh đạo ngành nông - lâm nghiệp, cán bộ cốt cán có năng lực về ngành này để hỗ trợ địa phương…
Đồng chí Đỗ Thu Giang, Bí thư Đảng ủy phường Sa Pa, thị xã Sa Pa.
Thị xã Sa Pa sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo đề án sẽ còn 1 phường và 5 xã.
Thị xã Sa Pa sau khi sáp nhập các xã, phường sẽ còn 1 phường và 5 xã. Ngoài xã Ngũ Chỉ Sơn và phường Sa Pa như đề cập ở trên còn có các xã sau: xã Tả Van (sáp nhập các xã Hoàng Liên, Mường Hoa, Tả Van); xã Tả Phìn (sáp nhập xã Tả Phìn và Trung Chải); xã Bản Hồ (sáp nhập xã Bản Hồ và Thanh Bình); xã Mường Bo (sáp nhập xã Mường Bo và Liên Minh). Qua triển khai lấy ý kiến của cử tri, tỷ lệ đồng ý với phương án sáp nhập các xã, phường, tên gọi và vị trí đặt trung tâm mới theo đề án của thị xã rất cao, đều đạt hơn 90% trở lên, cá biệt như việc sáp nhập xã Tả Phìn với xã Trung Chải chỉ có duy nhất 1 hộ của 2 xã chưa đồng thuận.
Cùng với việc triển khai các công việc, Thường trực Thị ủy Sa Pa thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức để việc sắp xếp, bố trí nhân sự đối với đơn vị hành chính xã, phường mới phù hợp.
Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thị xã Sa Pa cho biết, bỏ cấp huyện, sắp xếp, sáp nhập cấp xã là chủ trương lớn và đúng đắn của Trung ương, địa phương đã tuân thủ các yêu cầu theo chỉ đạo của cấp trên khi triển khai.
Theo đồng chí, sau khi bỏ cấp huyện, yêu cầu hoạt động của cấp xã từ đội ngũ cán bộ đến phương thức lãnh đạo, điều hành phải được nâng lên như cấp huyện trước đây, đòi hỏi hệ thống bộ máy các xã, phường mới sẽ phải như thế nào; với mục tiêu gần dân, sát dân và đảm bảo dư địa phát triển phải tính toán ra sao; các địa danh có sự phát triển đặc thù như Sa Pa làm thế nào để tiếp tục duy trì sự thu hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước cũng phải được tính toán. Bởi, từ trước đến nay từ khóa “Sa Pa” luôn được tìm kiếm nhiều nhất trên google; Sa Pa cũng lọt tốp các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất ở khu vực châu Á. Đó là những yêu cầu phải được xem xét thấu đáo trong quá trình sắp xếp, sáp nhập xã, phường của thị xã Sa Pa.
Bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, phường sẽ không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Khu du lịch quốc gia Sa Pa.
Đồng chí nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất là khi bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã, khu du lịch Sa Pa vẫn tiếp tục phát triển để xứng tầm Khu du lịch quốc gia; đảm bảo dư địa phát triển với tính kế thừa. Với quan điểm trên, địa phương đã nghiên cứu, tính toán dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau để xây dựng đề án, đề xuất giảm xuống còn 6 xã, phường. Trong đó, 6 phường trung tâm sáp nhập thành 1 nằm trọn trong khu vực vùng lõi Khu du lịch quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây; tiếp tục triển khai các dự án đã được nghiên cứu, chấp thuận đầu tư thời gian vừa qua để đầu tư hạ tầng Khu du lịch quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.
Các địa phương còn lại thực hiện sáp nhập căn cứ các tiêu chí diện tích, dân số, sự kết nối cùng với xác định tên gọi thuận lợi cho du khách khi tìm kiếm và đảm bảo phát triển du lịch cho địa phương, như Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ…
Lĩnh vực du lịch vẫn được xác định là mũi nhọn cho sự phát triển đối với các xã, phường theo đề án sáp nhập của thị xã Sa Pa.
Đối với việc đề nghị giữ nguyên tên xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa tính toán để đầu tư xây dựng trở thành khu du lịch “Fansipan thứ 2”, bởi đỉnh Ngũ Chỉ Sơn cũng là đỉnh núi đẹp và đang được xây dựng để được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh. Trong tương lai, xã Ngũ Chỉ Sơn sẽ có dư địa phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chí phát triển và tiêu chí độc lập.
Sau khi sáp nhập không để mất đi địa danh Sa Pa, đây là yêu cầu luôn được thị xã đặt lên hàng đầu để đảm bảo sự phát triển của Khu du lịch quốc gia.
Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa.
Nguyễn Thành Phú