Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn 31- HD/BTCTW về việc thành lập tổ chức đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan MTTQ Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã.
Thực hiện đồng bộ với việc hợp nhất tỉnh, trước 15-9
Đáng chú ý, theo hướng dẫn này, tỉnh, thành ủy nơi được xác định là trung tâm chính tri-̣ hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau hợp nhất chủ trì, phối hơp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy (đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sáp nhập) xây dựng Đề án thành lập đảng bộ tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập các đảng bộ cấp tỉnh trước khi sắp xếp.
Đề án này cần được hoàn thành và gửi về Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 15-6.
Ban Tổ chức Trung ương thẩm định đề án của các tỉnh, thành ủy; đồng thời tham mưu, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thành lập đảng bộ các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thời gian hoàn thành đồng bộ với việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, chậm nhất trước ngày 15-9.
Các đại biểu tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Đối với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương không sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền do Trung ương quy định.
Sau khi Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập các đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành, cấp ủy cấp tỉnh quyết định kết thúc đảng bộ cấp huyện, cấp xã (cũ); thành lập đảng bộ cấp xã mới sau sáp nhập là đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng.
Ban Tổ chức Trung ương cũng lưu ý quá trình thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy, các tỉnh, thành ủy cần thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, nghị quyết của Trung ương, các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Biên chế cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của đảng ủy cấp xã
Liên quan đến việc thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu (cấp xã mới) sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, ban thường vụ tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương hiện nay chỉ đạo, xây dựng đề án kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện, đảng bộ cấp xã cũ; thành lập đảng bộ cấp xã mới.
Sau khi phê duyệt đề án, các tỉnh ủy, thành ủy triển khai và hoàn thành một số nội dung sau đồng bộ với việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian từ 1-7 đến 15-8.
Cụ thể, triển khai các quyết định của tỉnh ủy, thành ủy: thành lập đảng bộ cấp xã, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Trên cơ sở đề án được phê duyệt và quyết định của cấp có thẩm quyền, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp ủy cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp của cấp ủy cấp xã,
Đảng ủy xã, phường được lập ba cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, gồm: Văn phòng, ban xây dựng đảng, cơ quan ủy ban kiểm tra đảng ủy.
Đảng ủy xã, phường nơi có trụ sở trung tâm chính trị cấp huyện hiện nay được lập thêm trung tâm chính trị là đơn vị sự nghiệp của đảng ủy.
Đảng ủy đặc khu là đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng được lập tối đa bốn cơ quan tham mưu, giúp việc, gồm: Văn phòng, ban tổ chức, ban tuyên giáo và dân vận, cơ quan ủy ban kiểm tra và trung tâm chính trị là đơn vị sự nghiệp của đảng ủy.
Các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí, phân công cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và biên chế của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp xã theo hướng cơ bản bố trí cán bô, công chức, viên chức, biên chế cấp huyện, cấp xã hiện nay về cấp xã và tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ban, sở, ngành cấp tỉnh về cấp xã (nếu cần).
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cấp ủy cấp xã và cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp xã, đảng ủy cấp xã tiếp nhận, phân công, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và biên chế về cấp xã theo quy định, thời gian hoàn thành đồng bộ với việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trước ngày 1-7.
Biên chế cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của đảng ủy cấp xã (mới) được định hướng khoảng 15 -17 biên chế, ở những nơi có trung tâm chính trị bố trí không quá 20 biên chế.
Trước mắt, có thể bố trí biên chế nhiều hơn, bao gồm cán bộ công tác Đảng của huyện, xã hiện có và một số cán bộ, công chức cấp tỉnh. Sau khi hoàn thiện vị trí việc làm, tối đa sau thời gian năm năm phải thực hiện đúng theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Đối với những đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên không sáp nhập: Cơ quan lãnh đạo thực hiện theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị; bố trí biên chế cán bộ cơ quan tham mưu giúp việc phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế, bảo đảm cân đối chung trong hệ thống chính trị cùng cấp.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã có điều chỉnh địa giới, ngoài các nội dung nêu trên, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng, đảng viên giữa các đảng bộ cấp xã theo hướng dẫn của Ban Bí thư.
Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ, công chức cấp xã cần báo cáo Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 15-8.
Theo Nghị quyết 60 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, có 11 tỉnh, TP giữ nguyên hiện trạng (gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng).
52 địa phương khác sẽ sáp nhập để còn lại 23 tỉnh, TP. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ có 34 tỉnh, thành (gồm 28 tỉnh và 6 TP trực thuộc Trung ương) thay vì 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh như hiện nay.
Trung ương cũng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước sẽ giảm khoảng 60-70% so với hiện tại.
ĐỨC MINH- NGUYÊN THẢO