Theo đó, Tại điểm cầu trung tâm ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, bao gồm Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các nguyên lãnh đạo và đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương đã tham dự. Về phía Bộ Nội vụ, hội nghị tại trụ sở chính số 8 Tôn Thất Thuyết do Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ngành dự hội nghị tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: VGP
Trước khi khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tham quan triển lãm chuyên đề về thành tựu trong xây dựng pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân, với sự góp mặt của nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu từ doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu một bước ngoặt chiến lược, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương của Đảng về việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề 1 về phát triển kinh tế tư nhân tại hội nghị. Ảnh: Quang Phúc
Thủ tướng trình bày toàn diện 5 nội dung trọng tâm của nghị quyết, trong đó nhấn mạnh vai trò tiên phong của doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, và sự cần thiết tạo dựng môi trường thể chế thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho kinh tế tư nhân phát triển. Ông khẳng định: "Đây không chỉ là sự tiếp nối mà là một cuộc cách mạng về tư duy và thể chế", nhằm giải phóng sức sản xuất, huy động toàn diện nguồn lực trong nhân dân.
Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55 - 58% GDP, và đến năm 2045, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 60% GDP, trở thành lực lượng có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, địa phương triển khai theo tinh thần “6 rõ” (người, việc, trách nhiệm, thẩm quyền, thời gian, kết quả).
Thủ tướng cũng trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Kinh tế tư bản của dân tộc, kinh tế tư nhân của nông dân, của tiểu thương là lực lượng cần thiết cho công cuộc xây dựng nước nhà", cho thấy tầm nhìn dài hạn và tính kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh trong chính sách hiện nay.
Tiếp theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề về Nghị quyết 66-NQ/TW, xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là "đột phá của đột phá" trong tiến trình hoàn thiện thể chế. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sở hữu hệ thống pháp luật minh bạch, đồng bộ, có khả năng kiến tạo phát triển và bảo vệ quyền công dân hiệu quả; đến năm 2045, hệ thống pháp luật tiệm cận chuẩn mực quốc tế.
Điểm cầu chính của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương chủ trì. Ảnh: Minh Thắng
Nghị quyết 66 yêu cầu rõ ràng việc loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, nhấn mạnh sự cần thiết của việc khuyến khích sáng tạo, chủ động nghiên cứu chiến lược và hoàn thiện quy trình lập pháp minh bạch, chuyên nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Nghị quyết 66 và 68 cùng với Nghị quyết 57 và 59 tạo thành “bộ tứ trụ cột” chiến lược, giúp Việt Nam vững bước trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần chuyển đổi tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “xin - cho” sang “minh bạch - cạnh tranh”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ”. Ông khẳng định: "Chúng ta không được phép chậm trễ. Nếu không tạo đột phá ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ lỡ nhịp và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu".
Quang cảnh Hội trường Diên Hồng. Ảnh: Quang Phúc
Phát biểu bế mạc hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh đây là hai nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn và quyết tâm đổi mới toàn diện của Đảng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần khẩn trương cụ thể hóa thành chương trình hành động, gắn với công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát và khen thưởng kịp thời.
Hội nghị kết thúc trong không khí đoàn kết, quyết tâm cao, tạo tiền đề cho một giai đoạn hành động mới, thể hiện sự đồng lòng từ Trung ương đến địa phương trong việc đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, phục vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Nhật Hưng