'Bố chuột' của Duy Mạnh và cú tát vào văn hóa đổ lỗi

'Bố chuột' của Duy Mạnh và cú tát vào văn hóa đổ lỗi
19 giờ trướcBài gốc
Phản kháng bằng âm nhạc, châm biếm bằng ca từ
19 giờ 15 phút ngày 11/5, ca sĩ Duy Mạnh chính thức tung lên mạng xã hội ca khúc mang tên “Bố chuột”. Một bản nhạc ngắn, lời lẽ hài hước, tiết tấu đơn giản, nhưng ngay lập tức khiến cộng đồng mạng dậy sóng.
Bài hát ra đời sau hơn 2 năm Duy Mạnh ròng rã theo đuổi vụ kiện Mercedes-Benz Việt Nam, yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng vì chiếc xe S450 Luxury hơn 4,7 tỷ đồng bất ngờ bốc cháy trong hầm chung cư.
Ca sĩ Duy Mạnh vừa tung ca khúc “Bố chuột” – bản nhạc trào phúng đầy châm biếm sau vụ kiện Mercedes, khi hãng cho rằng xe cháy do… chuột cắn dây. Ảnh minh họa
“Chuột ơi con lạy bố
Tại sao bố lại cắn xe
Mẹc của con hàng ngày đang đi…”
Lời bài hát ngây ngô như thơ con nít nhưng lại đầy sắc nhọn. Bằng một cú đảo vai, Duy Mạnh biến “Bố chuột” thành nhân vật chính, không phải hãng xe, không phải người bán, không phải kỹ thuật viên, mà là… một con chuột vô hình. Anh lạy chuột, xin chuột đừng cắn, thậm chí van vỉ: “Bố bớt nghịch được không?”. Một sự mỉa mai thâm thúy, khi mà người mua xe bạc tỷ chỉ biết cúi đầu trước “sinh vật gặm nhấm” thay vì đối thoại sòng phẳng với nhà sản xuất.
Văn hóa đổ lỗi và sự im lặng đầy toan tính
Không cần phân tích kỹ thuật, không viện dẫn luật pháp, “Bố chuột” trở thành một ca khúc phản kháng mới kiểu Việt Nam, mang hơi thở của văn học dân gian, của trào phúng, của tiếng cười cay đắng: Người chơi mất xe, người tổ chức thắng bằng... cú lý sự tréo ngoe.
Cái tài của Duy Mạnh không nằm ở âm nhạc mà nằm ở lựa chọn hình thức. Khi đối thoại là một vòng lặp vô vọng, người nghệ sĩ chọn cây đàn và biến “đơn kiện” thành “bản nhạc”. Sự châm biếm trở thành đòn đánh thông minh hơn mọi cuộc họp báo.
Đằng sau "Bố chuột" là một hệ thống đang trốn tránh. Không có ai đứng ra nhận trách nhiệm, không có phát ngôn xin lỗi, tất cả được trút lên đầu một con vật không thể biện hộ cho mình. Đó là bi kịch quen thuộc ở Việt Nam khi người dân va phải lỗi kỹ thuật, nhưng bị buộc phải tin rằng lỗi nằm ở yếu tố khách quan, do người sử dụng, do môi trường, do con gì đó cắn.
“Bố chuột” vì thế không phải chỉ là ca khúc. Nó là bản cáo trạng bằng tiếng hát. Nó là tiếng gào không ai thèm nghe, được hát lại như một câu chuyện cười. Và trong sự cười ấy, là nước mắt của hàng triệu người tiêu dùng từng đòi quyền lợi nhưng chỉ nhận về sự phủi tay có hệ thống.
Duy Mạnh đã khép lại vụ kiện bằng một bài hát. Nhưng tiếng nhạc ấy không nhẹ nhàng, không xoa dịu, nó như một cái tát lặng thầm. Bởi anh không hát để giễu ai. Anh hát để người ta không quên: Đằng sau mỗi lý lẽ đổ lỗi, là một khách hàng đang mất mát và một xã hội bị xúc phạm bằng ngôn từ chuyên môn hóa.
Ngọc Hưng
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-chuot-cua-duy-manh-va-cu-tat-vao-van-hoa-do-loi-387104.html