Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người đã và đang có sự vào cuộc, tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Công an, các thủ đoạn mua bán người thường được đối tượng đưa ra để tìm kiếm, dụ dỗ các con mồi, bao gồm: việc nhẹ lương cao, lấy chồng nước ngoài hưởng cuộc sống giàu sang hoặc lợi dụng khó khăn về kinh tế, các đối tượng dùng vũ lực khống chế, ép buộc nạn nhân ra nước ngoài làm việc để trả nợ.
Sau đó, các đối tượng liên lạc với “đại lý” ở nước ngoài phụ trách tìm kiếm, dẫn người từ Việt Nam sang làm nguồn lao động cho các trung tâm lừa đảo trực tuyến và nhận số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, Bộ Công an đã điều tra, xử lý 163 vụ mua bán người, với 455 đối tượng và 500 nạn nhân. Để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đề xuất Quốc hội khóa XV thông qua Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024.
Trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động mua bán người. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người và vi phạm pháp luật.
Bá Đức
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/bo-cong-an-dieu-tra-xu-ly-163-vu-mua-ban-nguoi-304663.htm