Bộ Công an kiến nghị bổ sung quy định giới hạn biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng miếng

Bộ Công an kiến nghị bổ sung quy định giới hạn biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng miếng
11 giờ trướcBài gốc
Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức về nội dung sửa đổi của nghị định nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và định hướng điều hành thị trường.
Theo Bộ Công an, dự thảo hiện nay tuy đã quy định vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc can thiệp bình ổn thị trường vàng, song vẫn chưa cụ thể hóa cơ chế quản lý giá mua - bán vàng miếng. Từ thực tế đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung ba nhóm nội dung chính có tính chất nền tảng trong quản lý giá vàng miếng trên thị trường.
Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cần phải xây dựng và công bố quy trình rõ ràng trong việc thiết lập và điều chỉnh giá bán - mua trong ngày.
Đồng thời, các đơn vị này phải lưu trữ đầy đủ chứng từ, tài liệu và dữ liệu điện tử liên quan đến việc xác lập và thay đổi giá. Điều này không chỉ phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng, mà còn giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với thị trường.
Thứ hai, Bộ Công an nhấn mạnh sự cần thiết của một cơ chế cho phép cơ quan quản lý Nhà nước có thể can thiệp kịp thời khi thị trường xuất hiện dấu hiệu bất ổn. Cơ chế này bao gồm quyền điều chỉnh giá mua - giá bán và điều tiết cung - cầu vàng miếng nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hạn chế hoạt động đầu cơ, thao túng giá.
Thứ ba, Bộ Công an kiến nghị bổ sung quy định giới hạn biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng. Biện pháp này nhằm ngăn ngừa tình trạng giá bị đẩy lên quá cao hoặc bị kéo xuống quá thấp so với giá thực tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và tạo bất ổn tâm lý trên thị trường. Đồng thời, quy định này sẽ tạo nền tảng pháp lý để xử lý các hành vi lợi dụng biến động giá để trục lợi bất chính.
Trước các đề xuất trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định tại Luật Giá năm 2012 (sửa đổi năm 2023), vàng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu và không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá hoặc bình ổn giá.
Do đó, giá vàng hiện nay được xác lập theo cơ chế thị trường, do các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng miếng tự quyết định trên cơ sở cung - cầu và trong khuôn khổ pháp luật.
Ngoài các nội dung về quản lý giá, Bộ Công an còn đưa ra đề xuất liên quan đến việc phòng ngừa rủi ro đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và phân phối vàng miếng.
Theo đánh giá của Bộ, thị trường vàng Việt Nam có độ nhạy cảm cao với giá vàng thế giới, trong khi dự thảo sửa đổi chưa đề cập đến các biện pháp giúp doanh nghiệp cân bằng trạng thái vàng và chốt giá trong bối cảnh giá biến động mạnh.
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất cần cho phép các doanh nghiệp có cơ chế cân đối và chốt giá hàng ngày, qua đó giúp kiểm soát tốt hơn rủi ro về giá khi nhập khẩu hoặc sản xuất vàng.
Bên cạnh đó, cần có các công cụ tài chính phòng ngừa rủi ro tỷ giá và biến động giá vàng như việc sử dụng sản phẩm phái sinh hoặc áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, tạo “hàng rào bảo vệ” cho doanh nghiệp khi thị trường quốc tế có biến động lớn.
Về các giải pháp phòng ngừa rủi ro nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết pháp luật hiện hành đã có quy định cho phép các tổ chức tín dụng cung cấp sản phẩm phái sinh. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý liên quan nếu xét thấy cần thiết.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng lớn như Agribank và BIDV cũng đề xuất bổ sung cơ sở pháp lý cho việc phát hành “Chứng nhận sở hữu vàng” hoặc “Ấn chỉ sở hữu vàng” thay thế việc giao nhận vàng vật chất ngay tại thời điểm giao dịch.
Theo đó, khách hàng có thể nhận chứng nhận hoặc ấn chỉ làm bằng chứng sở hữu, còn việc giao nhận vàng vật chất sẽ được thực hiện vào thời điểm khác trong tương lai tùy theo thỏa thuận giữa hai bên. Nội dung này, theo kiến nghị, cần được quy định rõ trong các văn bản phát hành của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp này, đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu hướng dẫn cụ thể. Việc sửa đổi Thông tư số 02/2016/TT-NHNN ngày 26/2/2016 về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn tại các tổ chức tín dụng cũng sẽ được xem xét nhằm phù hợp với thực tiễn quản lý và nhu cầu phát triển của thị trường vàng.
TH
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/bo-cong-an-kien-nghi-bo-sung-quy-dinh-gioi-han-bien-do-chenh-lech-gia-mua-ban-vang-mieng-319927.html