Khách hàng không được giao dịch bằng tiền mặt khi mua, bán gần 2 chỉ vàng trở lên

Khách hàng không được giao dịch bằng tiền mặt khi mua, bán gần 2 chỉ vàng trở lên
7 giờ trướcBài gốc
Bộ Tư pháp vừa công bố Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng.
Theo dự thảo này, NHNN quy định mỗi khách hàng mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên phải thực hiện chuyển khoản (từ tài khoản của người mua tới tài khoản của doanh nghiệp).
Điều này, theo NHNN, nhằm đảm bảo yêu cầu về xác thực thông tin khách hàng và tăng tính công khai, minh bạch trong giao dịch mua, bán vàng.
Góp ý về vấn đề này, Bộ Công an cho rằng cần quy định rõ giá trị 20 triệu đồng của từng lần giao dịch hay tổng giá trị giao dịch từng ngày để tránh tình trạng “lách luật” qua việc chia nhỏ các giao dịch (dưới 20 triệu đồng).
Ngày 15/7 là thời hạn Chính phủ yêu cầu NHNN trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo yêu cầu của Thủ tướng.
Trên cơ sở góp ý của Bộ Công an, NHNN đã hoàn thiện lại quy định này cho chặt chẽ theo hướng quy định mức 20 triệu đồng này là giao dịch trong ngày.
Cụ thể, dự thảo quy định: Việc thanh toán mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên của một khách hàng phải được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng và tài khoản thanh toán của doanh nghiệp kinh doanh vàng mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thực tế, ngay khi NHNN công bố dự thảo, trên một số diễn đàn, người dân bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Anh Bùi Khánh Duy (Hà Nội) đặt vấn đề: “Giả sử trong trong 1 ngày, buổi sáng tôi mua vàng hết 10 triệu trả bằng tiền mặt, sau đó buổi chiều tôi mua thêm vàng hết 12 triệu, vậy tôi có phải trả bằng chuyển khoản cho lần mua buổi chiều không và có phải trả lại bằng chuyển khoản 10 triệu cho số vàng mua buổi sáng (nhận lại tiền mặt) không?”
Cũng theo NHNN, sau 14 năm áp dụng Nghị định 24, nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Do đó, một trong những nội dung quan trọng được thị trường vàng quan tâm mà cơ quan này đề xuất Chính phủ sửa đổi là xóa bỏ quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Theo đó, NHNN sẽ không độc quyền sản xuất vàng miếng. Có thêm một số thương hiệu khác đủ điều kiện được sản xuất, bên cạnh SJC. Người dân sẽ có nhiều lựa chọn, thị trường có sự cạnh tranh hơn, góp phần hạn chế chênh lệch về giá vàng giữa các sản phẩm, thương hiệu.
"Việc bổ sung đề nghị này nhằm thống nhất quy định xóa bỏ cơ chế độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý thông qua việc cấp hạn mức, giấy phép", NHNN lý giải.
Cụ thể, NHNN dự kiến cấp hạn mức hàng năm và giấy phép từng lần cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại thỏa điều kiện để xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng và giấy phép từng lần để nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Doanh nghiệp muốn được cấp phép sản xuất vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, còn yêu cầu với ngân hàng là 50.000 tỷ. Các đơn vị này phải trong danh sách đang được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán kim loại quý, không bị xử phạt hoặc đã khắc phục xong nếu vi phạm.
Trên cơ sở tổng hạn mức hàng năm, NHNN sẽ cấp hạn mức cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại theo quy mô vốn điều lệ; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu của doanh nghiệp và ngân hàng.
Dự thảo nghị định cũng bổ sung cơ chế tăng nguồn cung cho sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được cấp phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và trang sức mỹ nghệ. Họ cũng có thể bán lại nguyên liệu này cho đơn vị khác có giấy phép sản xuất vàng miếng hoặc kinh doanh trang sức, mỹ nghệ.
Theo NHNN, số doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là rất lớn. Việc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu do đó cần được thiết kế một cách tối ưu. Do đó, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại đồng thời với các doanh nghiệp lớn, việc nhập khẩu và phân phối vàng nguyên liệu cho mục đích sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ sẽ đảm bảo cạnh tranh, minh bạch hơn.
Tại Trung Quốc - quốc gia có thể chế tương đồng với Việt Nam và có thị trường vàng rất phát triển - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hiện cũng chỉ cấp phép nhập khẩu vàng cho 13 ngân hàng thương mại (bao gồm 9 ngân hàng nội địa và 4 ngân hàng nước ngoài).
Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, một số doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng quy định điều kiện vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng trở lên với doanh nghiệp là quá chặt, sẽ loại bỏ phần lớn doanh nghiệp khỏi khả năng tham gia thị trường,… làm hạn chế tính cạnh tranh, không đa dạng hóa được nguồn cung.
Ngoài ra, dự thảo quy định hoạt động nhập khẩu vàng miếng theo hướng kiểm soát nhiều tầng nấc, làm tăng giấy phép con, tăng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.
Hiện tại, ngày 15/7 là thời hạn Chính phủ yêu cầu NHNN trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo yêu cầu của Thủ tướng.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//tien-te/khach-hang-khong-duoc-giao-dich-bang-tien-mat-khi-mua-ban-gan-2-chi-vang-tro-len-1108117.html