Tại hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất bãi bỏ các quy định về Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Theo đó, một trong những điều kiện để được xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng đối với doanh nghiệp là có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên; đối với tổ chức tín dụng thì vốn điều lệ từ 50.000 tỷ đồng trở lên.
Thống đốc NHNN quy định hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép sản xuất vàng miếng. Đồng thời, NHNN cấp hạn mức hàng năm và giấy phép từng lần cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại để xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng.
Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ chế bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng
Nguy cơ xuất hiện “giấy phép mẹ”, “giấy phép con”?
Góp ý về vấn đề này, Bộ Công an cho rằng, dự thảo nghị định đề cập nhiều hình thức giấy phép (Giấy phép sản xuất vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng nguyên liệu), nguy cơ xuất hiện cơ chế “giấy phép mẹ” tạo ra nhiều “giấy phép con” và cơ chế cấp quota hạn ngạch sản xuất vàng miếng/hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần.
Dự thảo nghị định cũng cho phép nhóm doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đủ điều kiện về vốn điều lệ được cấp phép sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu, như 3 công ty (SJC, PNJ, DOJI), 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) và 4 ngân hàng thương mại cổ phần (VPBank, Techcombank, MB, ACB).
“Cơ chế “giấy phép con” và cấp quota hạn ngạch có thể làm phát sinh tiêu cực trong quá trình cấp phép. Đồng thời, dễ dẫn đến nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất vàng miếng, nhập khẩu và phân phối vàng nguyên liệu vào một nhóm đơn vị được cấp phép. Nếu thiếu cơ chế giám sát và hậu kiểm chặt chẽ, sẽ khó kiểm soát tình trạng vượt hạn mức hoặc mua bán giấy phép”, Bộ Công an nêu quan điểm.
Ngoài các hình thức giấy phép nêu trên, theo Bộ Công an, dự thảo nghị định vẫn quy định các giấy phép con như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm... có thể làm tăng áp lực về thủ tục hành chính, tạo rào cản cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.
Phản hồi góp ý trên, NHNN cho biết sẽ xây dựng, điều chỉnh tổng hạn mức hàng năm đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ; quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước; tình hình thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Từ đó, NHNN thực hiện cấp hạn mức hàng năm cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại theo quy mô vốn điều lệ của các đơn vị này; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu của doanh nghiệp, ngân hàng.
Dự thảo nghị định cũng giao Thống đốc NHNN quy định cách thức phân bổ hạn mức hàng năm cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng từng lần, theo hướng dẫn của NHNN để đảm bảo công khai, minh bạch.
Qua báo cáo định kỳ, báo cáo của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và kiểm tra chéo trên hệ thống hải quan, đối với trường hợp các đơn vị không nhập khẩu hết hạn mức đã được cấp, NHNN có thể điều chỉnh, thu hồi để phân bổ hạn mức còn lại cho các đơn vị khác có nhu cầu.
Theo NHNN, đây cũng là căn cứ để tính toán phân bổ, phân bổ lại, điều chỉnh hạn mức cho các năm/kỳ tiếp theo.
NHNN khẳng định, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng lần theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, giúp tổ chức, cá nhân cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, không làm tăng áp lực về thủ tục hành chính, không tạo rào cản cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.
Cần thiết có số sê-ri vàng miếng
Cũng theo Bộ Công an, quy định liên quan đến kinh doanh, sản xuất vàng miếng trong dự thảo chưa có quy định cụ thể về việc quản lý số sê-ri vàng miếng (với vàng sản xuất mới, vàng miếng móp méo được gia công lại, trong các giao dịch mua/bán, vàng miếng chuyển thành nguyên liệu... ).
Việc ghi nhận bắt buộc thông tin về số sê-ri vàng miếng tại chứng từ trong các giao dịch sẽ giúp hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch, giúp việc quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng chặt chẽ và an toàn hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Vì vậy, Bộ Công an cho rằng, cần xem xét, bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ số sê-ri vàng miếng, bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ trong các hoạt động, giao dịch trên.
Về góp ý này, NHNN cho hay sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ giao dịch.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng cho rằng cần nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, bán vàng miếng để tạo hành lang pháp lý can thiệp, tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.
Cụ thể, các đơn vị kinh doanh cần ban hành quy trình rõ ràng và có khả năng giải trình về cách thiết lập, điều chỉnh giá, thay đổi giá trong ngày; lưu trữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc tạo giá và thay đổi giá (bao gồm dữ liệu thông tin điện tử).
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng khi cần thiết (cơ chế can thiệp vào giá mua, bán; cơ chế can thiệp vào cung, cầu thị trường vàng miếng...).
Ngoài ra, cần bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng.
Tuy nhiên, phản hồi đề xuất, NHNN cho hay, theo Luật Giá 2012 (sửa đổi 2023), vàng không phải mặt hàng thiết yếu, không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Giá mua - bán vàng do các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại niêm yết trên cơ sở cung - cầu thị trường và theo quy định pháp luật.
Cơ chế can thiệp bình ổn thị trường vàng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 50/2014/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, theo đó quy định cơ chế NHNN can thiệp vào thị trường vàng trong nước khi cần thiết.
Hà Loan