Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Một số ngân hàng như HDBank, Vietinbank, BIDV, Techcombank… đề xuất có trung tâm kiểm định chất lượng vàng độc lập để đảm bảo đồng bộ chất lượng vàng miếng trong giao dịch.
Các ngân hàng kiến nghị:
- Cho phép bên thứ ba có năng lực được tham gia kiểm định chất lượng vàng miếng (trọng lượng, hàm lượng…).
- Ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn kiểm định chất lượng, nguyên tắc xử lý tranh chấp và xử lý tài sản trong tranh chấp…
- Có tiêu chuẩn chung cho cả thị trường về khối lượng, hàm lượng vàng miếng từ cơ quan quản lý nhà nước để các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng áp dụng.
Các đơn vị này cũng đề nghị bổ sung hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn vàng miếng được phép mua bán (loại vàng miếng, các tiêu chí kỹ thuật như hàm lượng, trọng lượng, sai số cho phép…).
Trả lời vấn đề này, NHNN cho hay dự thảo nghị định quy định trách nhiệm của Bộ KH-CN. Theo đó, Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với vàng trang sức, mỹ nghệ và vàng miếng; kiểm tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng và vàng nguyên liệu trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Một số ngân hàng như HDBank, Vietinbank, BIDV, Techcombank… đề xuất bổ sung quy định về trung tâm kiểm định chất lượng vàng độc lập
NHNN cho biết sẽ tổng hợp, kiến nghị Bộ KH-CN nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26.9.2013 để tổ chức kiểm định hàm lượng vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Cũng tại bản góp ý dự thảo nghị định, nhiều ngân hàng cũng kiến nghị NHNN nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý và lộ trình cho phép triển khai thêm các sản phẩm khác để hỗ trợ thanh khoản của thị trường như: vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng, tiết kiệm/cho vay vàng, sàn giao dịch vàng quốc gia…
Cho phép doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng; xuất, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro biến động giá (futures, forwards, swaps) với vàng tài khoản hoặc thị trường quốc tế. Nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có giấy phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được mua vàng kỳ hạn từ nước ngoài.
NHNN cho hay khoản 2 Điều 112 Luật Tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 quy định: "Thống đốc NHNN quy định về phạm vi ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối, cung ứng sản phẩm phái sinh; điều kiện, hồ sơ thủ tục chấp thuận việc kinh doanh ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại".
Ngoài ra, Thông tư 40/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016 quy định về hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại.
Sau khi Nghị định sửa đổi được ban hành, NHNN sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định có liên quan để tạo cơ sở cho ngân hàng thương mại có thể cung ứng sản phẩm phái sinh về vàng. Doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh phải thực hiện hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 210/2009/BTC hướng dẫn chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính tại Việt Nam.
NHNN sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để xem xét việc bổ sung vàng vào danh mục hàng hóa được phép giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa theo quy định tại Nghị định 158/2006/NĐ-CP ngày 28.12.2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung).
“Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ được nghiên cứu, hướng dẫn cùng với việc hình thành Sở giao dịch vàng tập trung. Tại dự thảo Nghị định, NHNN đề xuất chưa sửa đổi quy định này”, NHNN cho hay.
Một số ngân hàng như ACB, Eximbank, BIDV, VietinBank, MBBank đề xuất bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép nhập khẩu vàng miếng hoặc vàng nguyên liệu có quyền thuê gia công sản xuất vàng miếng, bao gồm cả việc thuê doanh nghiệp trong hoặc ngoài nước thực hiện gia công, với điều kiện tổ chức được cấp phép vẫn phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng sản phẩm.
Các tổ chức này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm rõ khái niệm "sản xuất vàng miếng". Cụ thể là bên được cấp phép có bắt buộc phải trực tiếp sản xuất hay có thể thuê bên thứ ba gia công, miễn sao đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và chịu trách nhiệm cuối cùng.
Trả lời kiến nghị này, NHNN viện dẫn Điều 178 Luật Thương mại 2005, trong đó xác định gia công trong thương mại là hoạt động hợp pháp và được phép thực hiện để sản xuất một phần hoặc toàn bộ sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt hàng.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ: doanh nghiệp, ngân hàng thương mại được phép sản xuất vàng miếng phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng, hàm lượng sản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất hoặc thuê gia công. Việc bảo hành sản phẩm và lưu trữ dữ liệu liên quan cũng là nghĩa vụ bắt buộc.
Lam Thanh