Thị trường bất động sản Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút dòng vốn đầu tư lớn và kéo theo sự bùng nổ của các hoạt động quảng cáo trên mọi kênh, từ biển bảng, báo chí đến mạng xã hội, livestream, Google Ads và Facebook Ads. Tuy nhiên, theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), người tiêu dùng đang dễ dàng bị cuốn vào "ma trận" quảng cáo bởi những chiêu thức truyền thông tinh vi.
Mất hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc
Đơn cử, trên các nền tảng mạng xã hội và website rao bán: “Sống chuẩn resort ngay giữa lòng thành phố - chỉ từ 999 triệu đồng, thanh toán linh hoạt!”; “Đặt cọc hôm nay, nhận ngay suất lợi nhuận 20% sau 6 tháng!”; “Căn hộ view hồ bơi vô cực, đẳng cấp 5 sao, cam kết bàn giao đúng tiến độ!”.
Hoặc: “Khu đô thị xanh chuẩn Singapore, tiện ích ngập tràn: trường học quốc tế, trung tâm thương mại, hồ cảnh quan trong mơ!”; “Chỉ 50 triệu giữ chỗ, cơ hội vàng sở hữu căn hộ trung tâm - số lượng có hạn!”.
Đáng lo ngại là nhiều quảng cáo chứa thông tin sai lệch, phóng đại tiện ích, cam kết lợi nhuận phi thực tế, khiến người tiêu dùng dễ rơi vào “bẫy” kỳ vọng.
Khi phát hiện sự khác biệt giữa quảng cáo và hợp đồng, nhiều người đã mất hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc mà không thể đòi lại.
Cũng theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, một trong những hình thức quảng cáo sai lệch phổ biến hiện nay là việc chủ đầu tư đưa ra thông tin về các tiện ích không có thực trong dự án như có hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, khu thể thao hoặc công viên... thường xuyên được quảng cáo với những hình ảnh và thông tin hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khi người dân ký kết hợp đồng mua bán mới phát hiện những tiện ích này không tồn tại hoặc không được xây dựng như quảng cáo.
Trong một số trường hợp, các thông tin về tiện ích dự án được đưa ra rất chi tiết trong các tài liệu quảng cáo như brochure, video, trên YouTube, TikTok... với những lời hứa hẹn về “Resort 5 sao”, “12 hồ bơi”, “Công viên xanh” nhưng lại không được ghi nhận đầy đủ trong hợp đồng mua bán.
Đáng chú ý, một số trường hợp, thông tin quảng cáo được ghi chú một cách mập mờ là “mang tính chất minh họa”, “có thể thay đổi” hoặc “dự kiến sẽ có” mà không giải thích rõ ràng về việc các tiện ích này có thể bị loại bỏ hoặc thay đổi trong quá trình triển khai.
Ảnh: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Các cam kết về tiện ích phải được văn bản hóa trong hợp đồng
Hành vi quảng cáo sai lệch, không minh bạch về các tiện ích và đặc điểm của dự án, có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý không nhỏ cho các chủ đầu tư. Người tiêu dùng có thể gặp khó khăn yêu cầu giải quyết tranh chấp nếu không có sự minh bạch và rõ ràng trong các điều khoản hợp đồng.
Trước thực trạng trên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng không tin tuyệt đối vào hình ảnh phối cảnh hoặc lời hứa miệng. Các hình ảnh 3D, phối cảnh dự án và video quảng cáo chỉ có tính chất minh họa, không phải là căn cứ pháp lý. Người mua không nên đặt cọc chỉ vì bị thuyết phục bởi hình ảnh hoặc lời giới thiệu của nhân viên môi giới.
Ngoài ra, người dân cần hạn chế tối đa việc giao dịch thông qua các cá nhân môi giới không có giấy ủy quyền hợp pháp từ chủ đầu tư, nhằm tránh rủi ro khi xảy ra tranh chấp.
Bên cạnh đó, người mua nên đề nghị được cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng về các tiện ích, dịch vụ của dự án, đồng thời đảm bảo những thông tin này được ghi đầy đủ và cụ thể trong hợp đồng mua bán. Các cam kết về tiện ích phải được văn bản hóa trong hợp đồng để tránh trường hợp thông tin quảng cáo không khớp với thực tế.
Ngoài ra, mua bán căn hộ chung cư là một trong tám lĩnh vực phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung tại cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ được phép sử dụng hợp đồng mua bán chung cư để ký kết với người tiêu dùng và nhận các khoản thanh toán trước (đặt cọc, ký quỹ...) sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng mẫu này.
Do đó, trước khi thực hiện việc đặt cọc hay ký quỹ, người dân có quyền và nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản hợp đồng đã được đăng ký để nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo cơ quan chức năng, các hành vi quảng cáo sai lệch không chỉ có thể đến từ chủ đầu tư mà còn từ các kênh đại lý và nhân viên môi giới bất động sản. Cùng một dự án, người mua có thể nhận được hàng chục thông tin khác nhau, tùy thuộc vào môi giới hay đại lý tiếp cận. Họ có thể đăng tải thông tin không chính xác về tiện ích của dự án chỉ để thu hút người mua, từ đó kiếm hoa hồng.
TÚ UYÊN