Bộ Công Thương chỉ đạo về quản lý các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein, 1688

Bộ Công Thương chỉ đạo về quản lý các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein, 1688
2 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Thương mại điện tử là xu thế của thời đại, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, đảm bảo sự công khai, minh bạch, tạo sự công bằng đối với sản xuất nội địa. Ảnh minh học
Văn bản của Bộ Công Thương nêu: gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.
Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2024.
Tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Yêu cầu nền tảng thương mại điện tử Temu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Cùng với đó, chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2024.
Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép.
Yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.
Yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng thương mại điện tử.
Yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá tác động đối với thị trường trong nước (nếu có) khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; sửa đổi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế...
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu quốc hội cũng nhấn mạnh thương mại điện tử là xu thế của thời đại, Việt Nam không thể đứng ngoài, tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát hiện chưa có đầy đủ các quy định để quản lý thương mại điện tử có thể gây thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội trong nước. Theo đó, khuyến khích thương mại điện tử nhưng phải kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, đảm bảo sự công khai, minh bạch, tạo sự công bằng đối với sản xuất nội địa.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013 ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021).
Ngày 24/10/2024, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Minh Vũ
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/bo-cong-thuong-chi-dao-ve-quan-ly-cac-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-nhu-temu-shein-1688-179241027124407522.htm