Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương xây dựng 3 phương án về cơ cấu giá bán lẻ điện áp dụng cho trạm, trụ sạc xe điện.
Bộ Công Thương đề xuất áp dụng giá điện kinh doanh cho nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện theo cơ cấu giá bán lẻ điện mới
Phương án 1, áp dụng theo giá điện kinh doanh. Song theo nhà điều hành, phương án này có thể tác động không tích cực tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện, chưa phản ánh đúng chi phí của khách hàng trạm, trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.
Phương án 2, áp dụng giá điện kinh doanh cho nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện theo cơ cấu giá bán lẻ điện mới. Tức là, cơ quan quản lý sẽ xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện. Theo tính toán của Bộ Công Thương, cơ cấu biểu giá điện cho nhóm khách hàng này sẽ thấp hơn mức áp dụng cho kinh doanh nhưng cao hơn sản xuất.
Phương án 3, áp dụng theo giá sản xuất. Phương án này có thể tác động tích cực tới chính sách phát triển xe điện do làm giảm chi phí sạc điện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng sẽ tác động tới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bởi, giá bán lẻ điện cho sản xuất thấp hơn sẽ dẫn tới việc tăng giá điện cho các nhóm khách hàng khác để cân đối lại doanh thu.
Theo Bộ Công Thương, nếu áp dụng giá điện cho trạm sạc theo sản xuất sẽ làm cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả ít hơn chi phí thực tế tế gây ra cho hệ thống điện bình quân khoảng từ 552 đồng/kWh - 699 đồng/kWh tùy cấp điện áp; nếu áp dụng giá điện cho trạm sạc theo kinh doanh sẽ làm cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả nhiều hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống xe điện bình quân khoảng từ 467 đồng/kWh - 587 đồng/kWh tùy cấp điện áp.
Bộ Công Thương cho rằng phương án 1 và 3 sẽ tiếp tục làm phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện, khi triển khai áp dụng có thể sẽ không phù hợp với chủ trương được quy định tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phương án 2 được xây dựng trên cơ sở giá bán điện phản ánh chi phí của nhóm khách hàng sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện. Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét lựa chọn áp dụng theo phương án 2.
Tuy nhiên, góp ý về các phương án trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị hoạt động sạc xe điện là mục đích sử dụng điện mới cần được bổ sung tại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Hiện nay, trạm sạc xe điện là hoạt động cung cấp dịch vụ sạc pin cho người sử dụng xe điện (đây là hoạt động kinh doanh dịch vụ), việc tách riêng ra một đối tượng giá điện mới là không phù hợp.
Theo đó, EVN đề nghị: Bộ Công Thương chấp thuận áp dụng giá bán điện kinh doanh cho trạm/trụ sạc xe điện do hoạt động của đơn vị kinh doanh này là đầu tư xây dựng trạm/trụ sạc, mua điện để cung cấp dịch vụ sạc pin cho xe điện của người sử dụng xe điện.
Trong khi đó, Tổng Công ty điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho rằng việc bổ sung thêm 2 nhóm khách hàng đặc thù là cơ sở lưu trú du lịch và sạc xe điện sẽ làm phức tạp hóa cơ cấu biểu giá, đi ngược lại với xu thế và định hướng về việc cải tiến biểu giá đơn giản, dễ áp dụng, dễ tính toán trên cơ sở chi phí nhằm giảm dần và tiến tới bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng.
Đối với nhóm khách hàng mua điện qua các trạm/trụ sạc xe điện, xét về bản chất hoạt động trạm/trụ sạc xe điện cung cấp dịch vụ sạc điện cho các phương tiện điện, tương tự như các trạm xăng cung cấp nhiên liệu.
Trạm/trụ sạc xe điện thu phí dựa trên lượng điện được cung cấp và thời gian sạc, đây là đặc điểm của hoạt động cung cấp dịch vụ trong quá trình sử dụng sản phẩm (xe điện). Do vậy, EVNNPC đề xuất không áp dụng giá riêng cho loại hình trạm/trụ sạc xe điện như dự thảo mà sẽ áp dụng giá bán điện kinh doanh.
Thùy Linh