Chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và hệ thống lưu trữ điện được đề xuất bao gồm hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính
Hỗ trợ cho hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và hệ thống lưu trữ điện
Tại Tờ trình, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện phát triển nguồn điện tại Quyết định số 1415 và số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 768), trong đó mục tiêu cụ thể “Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia”. Theo tính toán tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, công suất điện mặt trời mái nhà tăng thêm giai đoạn 2025-2030 là 26.376 MW, trong đó có một phần là điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ của hộ gia đình.
Để nắm bắt thông tin về nhu cầu khả năng lắp đặt, ưu nhược điểm, hiệu quả sử dụng cũng như khâu bảo trì, bảo dưỡng đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện, Cục Điện lực, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện các đơn vị liên quan và Tổ soạn thảo đã đi khảo sát thực tế (tại tỉnh Bắc Giang và Thành phố Hà Nội).
Từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng, ban hành Quyết định quy định chi tiết khoản 2 Điều 22 của Luật Điện lực về phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tạo, năng lượng mới là cần thiết, tạo hành lang pháp lý cơ bản, làm tiền đề phát triển nguồn điện, chú trọng ở đây là nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của hộ gia đình, giảm tải lên hệ thống lưới điện.
Theo dự thảo, Quyết định này quy định về chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện tại nhà ở riêng lẻ (sau đây gọi chung là hệ thống điện mặt trời hộ gia đình).
Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho lắp đặt hệ thống điện mặt trời hộ gia đình trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các hệ thống điện mặt trời hộ gia đình hoàn thành các thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Quyết định này trước ngày 1/1/2031.
Dự thảo Quyết định bao gồm 03 Chương với 12 Điều và 01 biểu mẫu tại Phụ lục kèm theo.
Hỗ trợ tiền đầu tư tối đa 500.000 đồng cho 01 kWp
Theo đó, Dự thảo Quyết định đề xuất các chính sách hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho các dự án điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu của hộ gia đình.
Việc hỗ trợ được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách; bảo đảm công bằng giữa các đối tượng được hỗ trợ. Đối tượng được hỗ trợ phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật có liên quan trong quá trình đầu tư, lắp đặt và vận hành khai thác hệ thống điện mặt trời hộ gia đình.
Dự thảo Quyết định đề xuất hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ tiền đầu tư tối đa 500.000 đồng cho 01 kWp tổng công suất định mức của các tấm PV, không vượt quá 2.500.000 đồng cho một hộ gia đình
Việc hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện mặt trời hộ gia đình phải thực hiện các thủ tục thông qua cá nhân là đại diện hợp pháp của các chủ sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật về nhà ở (sau đây gọi là Chủ hộ) và chỉ được hỗ trợ về tài chính 01 lần trong thời hạn áp dụng của Quyết định này cho nhà ở riêng lẻ theo địa chỉ ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Nhà nước có quyền thu hồi các khoản hỗ trợ trong trường hợp đối tượng được hỗ trợ vi phạm quy định pháp luật hoặc các cam kết liên quan đến việc lắp đặt, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống điện mặt trời hộ gia đình.
Hỗ trợ về tài chính cho lắp đặt hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được thực hiện căn cứ theo điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Đối với hỗ trợ tài chính, Dự thảo Quyết định đề xuất hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ tiền đầu tư với định mức tối đa là 500.000 đồng cho 01 kWp tổng công suất định mức của các tấm quang điện lắp đặt trong hệ thống (sau đây gọi tắt là các tấm PV), nhưng không vượt quá 2.500.000 đồng cho một hộ gia đình.
Để đầu tư, hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 03 năm kể từ ngày bắt đầu giải ngân khoản vay theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 triệu đồng cho 01 kWp tổng công suất định mức của các tấm PV lắp đặt trong hệ thống, nhưng không vượt quá 35 triệu đồng.
Nguồn kinh phí hỗ trợ tài chính được cân đối trong nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương; hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định cụ thể mức hỗ trợ tài chính, bảo đảm phù hợp với nguồn ngân sách của tỉnh và nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời hộ gia đình trên địa bàn.
Điều kiện để được hỗ trợ về tài chính là hộ gia đình có đơn đề nghị hỗ trợ tài chính; phải thực hiện đầy đủ thủ tục phát triển, đầu tư, lắp đặt, đấu nối, nghiệm thu và đưa vào hoạt động nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ theo quy định tại Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 của Chính phủ; vay vốn phải đáp ứng các yêu cầu cho vay và thực hiện thủ tục vay vốn theo quy định của pháp luật và của tổ chức tín dụng có liên quan.
Đáng chú ý, về đối tượng áp dụng được hỗ trợ tài chính, Bộ Công Thương kiến nghị đối tượng là Hộ gia đình sử dụng nhà ở riêng lẻ lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện (tức là việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải kèm theo lắp đặt hệ thống thiết bị lưu trữ điện năng mới được hỗ trợ tài chính). Đối với đối tượng hộ gia đình chỉ lắp đặt riêng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ nếu có nhu cầu lắp đặt sẽ không được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, theo đó sẽ lắp đặt theo quy định tại Nghị định số 58/NĐ-CP ngày 3/3/2025 của Chính phủ.
Đơn vị điện lực tại địa phương chịu trách nhiệm hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật theo quy định pháp luật về điện lực
Điện lực địa phương chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật
Đối với hỗ trợ kỹ thuật, Dự thảo Quyết định đề xuất hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình đầu tư, lắp đặt và vận hành khai thác khi Chủ hộ có đề nghị.
Cụ thể, đơn vị điện lực tại địa phương hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật theo quy định pháp luật về điện lực như: đấu nối, điều khiển, giám sát, bảo vệ; hướng dẫn công tác lắp đặt nhằm bảo đảm an toàn điện. Đơn vị điện lực tại địa phương có trách nhiệm hướng dẫn trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của Chủ hộ.
Trường hợp Chủ hộ có nhu cầu bán sản lượng điện dư của hệ thống điện mặt trời hộ gia đình lên lưới điện, đơn vị điện lực tại địa phương có trách nhiệm phối hợp lắp đặt hoặc thay thế hệ thống đo đếm điện năng hai chiều phù hợp với công suất đấu nối của hệ thống điện mặt trời hộ gia đình với lưới điện; hướng dẫn các thủ tục và các quy định có liên quan để ký kết Hợp đồng mua bán sản lượng điện dư với Chủ hộ.
Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn việc thiết kế, giải pháp bảo đảm an toàn chịu lực công trình và giải pháp phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định pháp luật có liên quan và phù hợp với điều kiện nhà ở của hộ gia đình.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị giai đoạn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đối với hộ gia đình lắp đặt điện tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện đến hết năm 2030, để góp phần đạt được mục tiêu phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với giai đoạn sau năm 2030, tùy tình hình thực tế để tiếp tục đề xuất cho phù hợp.
Thy Thảo